Chủ động ứng phó giông lốc, sấm sét
Cập nhật ngày: 21/05/2018 16:17:16
ĐTO - Những cơn mưa rải rác trên địa bàn tỉnh kèm theo giông và sấm sét từ đầu tháng 5 đến nay đã gây thiệt hại lớn về tài sản. Trước diễn biến phức tạp của biểu hiện thời tiết cực đoan này, đòi hỏi chính quyền địa phương cũng như người dân cần có biện pháp chủ động phòng ngừa.
Lực lượng vũ trang TX.Hồng Ngự giúp người dân xã Bình Thạnh khắc phục thiệt hại sau mưa giông
Mưa giông, sấm sét gây thiệt hại nặng
Cơn mưa lớn kèm theo giông lốc vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 16/5 vừa qua đã làm 31 căn nhà tốc mái và 3 căn bị sập ở xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự. Không chỉ nhà mà tài sản trong các căn nhà cũng bị hư hỏng, ước thiệt hại gần 400 triệu đồng. Nhiều hộ dân cho biết, do mưa giông đến nhanh và mạnh nên không kịp ứng phó.
Cùng với đó, đa số các căn nhà không có kết cấu chắc chắn nên dễ bị gió mạnh cuốn đi phần mái. Rất may không có người bị thương nặng trong vụ tai nạn này. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo TX.Hồng Ngự cùng chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường, thăm hỏi, động viên các gia đình, đồng thời huy động lực lượng Công an, Quân sự, Đoàn thanh niên phối hợp với Đồn biên phòng hỗ trợ, giúp người dân sửa chữa lại nhà để sớm ổn định cuộc sống.
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (UPBĐKH-PCTT&TKCN) Đồng Tháp, ngoài vụ việc xảy ra tại TX.Hồng Ngự, ngày 1/5 trên địa bàn xã Thường Phước 1 và Thường Phước 2 (huyện Hồng Ngự) cũng có mưa giông làm ảnh hưởng 14 căn nhà, trong đó có 3 căn sập hoàn toàn. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, mưa kèm giông lốc đã làm 4 căn nhà sập hoàn toàn, 44 căn nhà bị tốc mái và hư hại nhiều tài sản khác.
Trong những năm qua, Đồng Tháp cũng như các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải chịu ảnh hưởng lớn từ mưa lớn kèm giông lốc, sấm sét. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo UPBĐKH-PCTT&TKCN tỉnh, năm 2017, toàn tỉnh có 1 người chết do sét đánh, 4 người khác bị thương; mưa, giông lốc đã làm sập 74 căn nhà và 688 căn tốc mái, xiêu vẹo... ước thiệt hại gần 7,8 tỷ đồng.
Cần chủ động phòng ngừa
Theo Đài Khí tượng - Thủy văn Đồng Tháp, tỉnh ta đã bước vào mùa mưa ngay từ đầu tháng 5 (sớm hơn khoảng 10 ngày so với chu kỳ hằng năm). Theo các biểu hiện thời tiết thời gian qua, dự báo sắp tới nguy cơ giông lốc và sét đánh có khả năng xuất hiện nhiều cùng cơn mưa lớn gây nguy hiểm cho người và tài sản. Các hiện tượng này thường xuất hiện nhiều vào các buổi chiều và tối. Số lượng các cơn mưa lớn kèm giông lốc, sấm sét sẽ xảy ra nhiều hơn, từ nay đến hết tháng 5 và giảm dần từ tháng 6 - 7. “Tuy nhiên, vào các thời điểm ngay sau “hạn bà chằn” (thời điểm từ 5 đến trên 7 ngày liên tục không có mưa) nguy cơ mưa lớn kèm giông lốc, sấm sét xảy ra rất cao. Do vậy, các địa phương và người dân nên có những biện pháp để chủ động ứng phó khi sự cố xảy ra” - ông Khương Lê Bình, Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh cho biết.
Hiện nay, Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh cũng chưa thể dự báo chính xác địa điểm, thời gian xảy ra giông lốc, sấm sét. Do đó, người dân cần chủ động đề phòng, không chủ quan với hiện tượng này. Chia sẻ một số kinh nghiệm nhận biết sắp có hiện tượng giông lốc, sấm sét xảy ra, ông Khương Lê Bình cho biết: “Nếu để ý thấy vào buổi chiều, tối có đám mây đen khổng lồ, chân mây hạ thấp thì nhiều khả năng xảy ra mưa to kèm theo giông lốc, sấm sét.
Để đề phòng những cơn giông, sấm sét, thời điểm này người dân nên thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, biện pháp hữu hiệu nhất là mỗi gia đình nên tập trung chằng chéo, gia cố lại nhà cửa và chặt mé những cây cao, to ở quanh nhà nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản khi xảy ra giông lốc, sấm sét...”.
Còn theo ông Lê Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo UPBĐKH-PCTT&TKCN tỉnh, tháng 5 là thời kỳ bắt đầu mùa mưa, cần đề phòng diễn biến bất thường của thời tiết, trong đó có giông lốc, sấm sét và mưa lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Đề nghị Ban Chỉ đạo UPBĐKH-PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát tình hình thời tiết, chủ động phòng ngừa và triển khai các biện pháp tránh ngập úng bảo vệ sản xuất. Đồng thời, yêu cầu các địa phương thường xuyên phổ biến, tuyên truyền cho người dân bằng nhiều hình thức để họ có kiến thức về phòng ngừa sấm sét, giông lốc.
P.L