Chú trọng nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn
Cập nhật ngày: 30/01/2015 07:32:18
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, lực lượng lao động (LĐ) (dân số từ 15 tuổi trở lên) trong tỉnh có gần 1 triệu người. Cơ cấu dân số thành thị chiếm 17,77% còn nông thôn là 82,23% vào năm 2013. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy (khóa IX) về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến nay tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề có gia tăng đáng kể, năm 2014 đạt 37,2% (tăng 8,5% so với năm 2011), bình quân mỗi năm tăng 2,8% (trước đây tỷ lệ này chỉ tăng từ 2 - 2,5%/năm).
Kết quả trên được thể hiện rõ nét từ đào tạo nghề cho LĐ nông thôn theo Quyết định 1956/TTg của Thủ tướng Chính phủ, số học viên tuyển mới hàng năm luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch. Nếu tính từ khi thực hiện Nghị quyết (năm 2011) đến nay thì tổng số học viên tuyển mới ở các cấp trình độ đào tạo là 82.814 người, đạt 103,5% so chỉ tiêu kế hoạch (cao đẳng nghề 3.859 người, trung cấp nghề 7.289 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 71.666 người). Trong đó, dạy nghề cho LĐ nông thôn theo Quyết định 1956/TTg của Thủ tướng Chính phủ là 49.893 người, chiếm 60,2% so với tổng số học viên tuyển mới (lĩnh vực nông nghiệp 6.638 người và phi nông nghiệp 43.255 người).
Hiện nay lực lượng LĐ khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng chưa qua đào tạo nghề, do đó cần thiết phải tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho LĐ nông thôn, đồng thời chủ động tổ chức dạy nghề ngay tại khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, nhằm giải quyết kịp thời và trước mắt công ăn việc làm cho người LĐ trong thời gian nhàn rỗi. Song song đó, các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp chú trọng đến việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của người LĐ làm ra, nhằm góp phần tăng thu nhập cho hộ nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch LĐ nông nghiệp sang ngành nghề khác và phục vụ cho xuất khẩu LĐ; thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
Tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển sàn giao dịch việc làm, tổ chức dạy nghề để trang bị kiến thức và tay nghề đủ điều kiện cấp chứng chỉ cho học viên. Các cơ sở dạy nghề cần tập trung tốt việc chọn nghề đào tạo (nhất là các nghề giúp cho người LĐ nâng cao kỹ năng, tay nghề hiện có hoặc chuyển dịch sang các ngành nghề khác phù hợp với địa phương) những ngành kỹ thuật, công nghệ cao, phục vụ tốt cho nông nghiệp, nhằm làm tăng giá trị nông sản và từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, của vùng một cách hợp lý từ cơ bản là nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Các ngành, nghề đào tạo phải đa dạng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội, đặc thù của mỗi địa phương, do đó các cơ sở dạy nghề phải chủ động liên kết với doanh nghiệp trong việc dạy và học nghề, gắn đào tạo với thực hành, giúp học viên trong quá trình thực hành thực tế, sớm nắm bắt nghề nghiệp và đảm bảo cung ứng nguồn LĐ tốt cho doanh nghiệp, cho xã hội. Khi ra trường học viên có việc làm ngay vì có tay nghề phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa mức sống và điều kiện sống của cư dân nông thôn và đô thị.
NGỌC TÂM