Có thêm thu nhập từ nghề bán cỏ khô

Cập nhật ngày: 30/12/2013 05:53:16

Những năm gần đây, bên cạnh nguồn lợi chủ lực từ cây lúa và một số cây, con khác, nông dân Tam Nông còn đầu tư phát triển nghề trồng kiệu. Cây kiệu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp hình thành nên các nghề “ăn theo”, trong đó có nghề bán cỏ khô.


Người dân phơi cỏ trên đường nội bộ của Vườn Quốc gia Tràm Chim

Đồng cỏ ngập nước theo mùa là một trong những hệ sinh thái khá phổ biến trong khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim. Những loài thực vật tiêu biểu của vùng đất ngập nước phát triển với mật độ cao đã hình thành những đồng cỏ như đồng cỏ mồm, cỏ ống, cỏ năng, lúa trời (lúa ma)... với diện tích hàng ngàn hecta. Chính những loại cỏ này đã giúp một số người dân ở xã Phú Hiệp có thêm thu nhập từ nghề cắt và bán cỏ khô, phục vụ cho nghề trồng kiệu ở địa phương. Việc tủ cỏ khô lên mặt liếp nhằm hạn chế cỏ dại mọc, giữ cho đất tơi xốp giúp cho kiệu đẻ nhánh và hình thành củ dễ dàng, vì vậy vào vụ trồng kiệu, các loại cỏ khô dùng để tủ kiệu sẽ hút hàng.

Theo bà con nông dân, khi lũ rút, lãnh đạo Vường Quốc gia Tràm Chim cho dân vào khai thác một số loại cỏ. Người dân mua 70 ngàn đồng/công cỏ (1.000m2). Vụ cắt cỏ vào khoảng tháng 11 đến tháng 12, nhưng từ đầu mùa lũ người trồng kiệu đã “đặt hàng” với những người chuyên bán cỏ khô.

Anh Nguyễn Văn Dư ở ấp K10, xã Phú Hiệp chuyên cung cấp cỏ khô cho những hộ trồng kiệu ở địa phương cho biết, năm nay gia đình anh mua 150 công cỏ. Để phục vụ cho việc cắt và phơi cỏ, ngoài 4 lao động trong gia đình, anh phải thuê thêm 8 nhân công. Chỉ trong buổi sáng (từ 7 giờ đến 11 giờ), mỗi nhân công cắt cỏ được trả 120 ngàn đồng, nhưng việc kiếm người cắt không phải dễ. Công việc này, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Lúc cao điểm, có cả trăm người cắt cỏ trên đồng.

Hiện bà con bán 3,5 - 4 triệu đồng/ghe cỏ khô. Một ghe cỏ tủ được 1 công kiệu (1.300m2); nếu tính bó thì 16.000 - 22.000 đồng/bó (170 - 200 bó cỏ tủ được 1 công kiệu). Sau khi trừ chi phí mua đồng cỏ, nhân công... người bán cỏ khô có thể lãi vài trăm ngàn đồng/công. Để tủ kiệu có nhiều loại cỏ nhưng nông dân thường ưa chuộng cỏ mồm và cỏ ống vì thời gian phân hủy chậm hơn cỏ năng, lúa trời.

Theo ông Nguyễn Đờ Lál - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hiệp, năm 2013, diện tích trồng kiệu của xã hơn 16ha, năm tới sẽ phát triển lên 20ha, trồng nhiều ở ấp K10 và K11. Nghề trồng kiệu phát triển đã kéo theo nghề bán cỏ khô. Việc cung ứng cỏ khô cũng như nghề trồng kiệu đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, giúp bà con có thu nhập khá lúc nông nhàn.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn