Củng cố các chốt cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ

Cập nhật ngày: 23/09/2013 07:15:38

Nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân, từ tháng 7/2012, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các huyện, thị, thành phố đã củng cố, duy trì hoạt động của 487 chốt cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ. Ở các vị trí xung yếu, địa phương đều bố trí các chốt đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.


Các chốt cứu hộ, cứu nạn được bố trí tại nơi có dòng nước chảy xiết

Các xã ở huyện Hồng Ngự đều thành lập các đội cứu hộ, cứu nạn, mỗi xã từ 2 đến 5 chốt, mỗi chốt từ 5 đến 8 người luôn ứng phó sẵn sàng với thời tiết mưa lũ phức tạp. Đến nay, huyện có 31chốt cứu hộ, với 201 thành viên tham gia tự nguyện, trong đó 17 chốt xung yếu, với 107 thành viên.

Các huyện Tháp Mười có 63 chốt, với 330 thành viên; Cao Lãnh 61 chốt, với 376 thành viên; Tam Nông 44 chốt, với 280 thành viên; thành phố Cao Lãnh 53 chốt, với 285 thành viên... Đa số các chốt cứu hộ được đặt tại các vị trí xung yếu, nơi có nhiều vùng nước xoáy dễ gây chìm phương tiện thủy, khu vực cầu có số lượt phương tiện di chuyển qua lại với mật độ cao...

Huyện Thanh Bình có 38 chốt cứu hộ, cứu nạn, với 138 thành viên, có 15 chốt xung yếu tập trung tại khu vực thường xảy ra nạn chìm tàu ghe như: tuyến Tân Phú - Cầu Cái Tre, tuyến Tân Mỹ - Cầu Cỏ Bắc... Ông Lê Văn Tộ - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện cho biết: “Các chốt cứu hộ, cứu nạn tập trung tại vị trí xung yếu, có các thành viên trực, giúp đỡ người bị nạn kịp thời. Một số điểm còn được bố trí kẻng để báo động khi cần thiết. Những thành viên tham gia vào đội là những thanh niên xung kích, thanh niên tại các ấp, thành viên tham gia rất nhiệt tình, tích cực, trên tinh thần tự nguyện...”.

Ngoài việc duy trì các chốt cứu hộ, cứu nạn, các chốt xung kích đều được trang bị phao, dây văng, áo phao, thùng, can nhựa... Thành viên các chốt được tập huấn kỹ năng sơ cứu, cấp cứu người trong tình huống khẩn cấp, kỹ thuật băng bó vết thương, di chuyển người bị nạn... Các Hội Chữ thập đỏ ở cơ sở phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 24 lớp sơ cấp cứu với 701 học viên tham gia, ngoài ra còn có 22 lớp tập huấn cứu hộ có 409 học viên theo học. Hiện nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đang tiếp tục công tác tập huấn các kỹ thuật sơ cứu, cứu hộ cứu nạn tại các địa phương, giúp các địa phương nâng cao kỹ năng chuyên môn trong việc cứu, giúp người bị nạn. Bên cạnh những thuận lợi, mong muốn của các Hội Chữ thập đỏ tại địa phương là việc hỗ trợ trang thiết bị cứu hộ tại các điểm phụ, bởi hiện nay do kinh phí hạn hẹp nên việc trang bị tập trung tại những điểm chính, những điểm phụ vẫn chưa được trang bị đáp ứng nhu cầu công việc.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn