Đa dạng các chương trình, mô hình và dự án hỗ trợ người nghèo, cận nghèo

Cập nhật ngày: 05/10/2021 10:03:36

ĐTO - Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến đời sống của người dân, trong đó có người nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, UBND tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), UBND các huyện, thành phố, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã triển khai, thực hiện đa dạng các chương trình, mô hình, dự án hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng.


Người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được nhận gạo hỗ trợ

Ngay từ đầu năm, Sở LĐ-TB&XH đã sớm triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch trong toàn ngành nên hầu hết các chỉ tiêu đều đạt theo lộ trình của các kế hoạch đề ra. Các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc sở đã xây dựng kế hoạch, triển khai chính sách, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người cận nghèo. Trong đó chú trọng vào các chính sách an sinh xã hội liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề cho lao động và lao động nông thôn... Tham mưu và triển khai, thực hiện các phương án liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo.

Trong công tác bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đối với người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện công tác quản lý “người lang thang, cơ nhỡ”, không có chỗ ở, không được chăm sóc y tế và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp đang nuôi dưỡng 90 đối tượng gồm người cao tuổi, người tâm thần, người khuyết tật, người nhiễm chất độc dioxin, trẻ em... Ngay sau khi các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được ban hành, Sở Lao động – TB&XH đã chủ động, phối hợp với các ngành liên quan và hướng dẫn Phòng LĐ – TB&XH huyện, thành phố rà soát các nhóm đối tượng, trong đó có 108.924 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, đạt 99,8% với số tiền 24,5 tỷ đồng. Cùng với việc triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, UBND các huyện, thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cũng tiến hành giải ngân các dự án hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, khó khăn và người có nhu cầu sử dụng nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, trồng trọt cải thiện thu nhập. Tại huyện Cao Lãnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện tiếp tục quản lý tốt 3 dự án có 33 hộ vay với số tiền 1,5 tỷ đồng dành cho đối tượng tại các xã: Gáo Giồng, Phương Trà, Mỹ Hiệp. Ngoài ra còn có 3 dự án với 47 hộ vay với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng...

Hướng đến vấn đề tạo việc làm, thu nhập cho người dân sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục kết nối các chương trình tư vấn nghề, việc làm tại các huyện, thành phố. Đến tháng 9/2021, đã tổ chức được 9 phiên giao dịch việc làm, có 104 đơn vị trực tiếp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh và có 4.235 lao động đến tham dự. Toàn tỉnh hiện có 22.496 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 797 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; lao động trúng tuyển đang học ngoại ngữ – giáo dục định hướng và chờ xuất cảnh là 1.345 người. Tổng số hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 7.220 người.

Thích ứng với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch điều tra thu thập thông tin cung – cầu lao động năm 2021. Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021- 2025; tổ chức cho người tham gia Chương trình học và thực hành tại doanh nghiệp ở nước ngoài do UBND tỉnh ký kết giai đoạn 2021-2025. Tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ các nghiệp đoàn, công ty tạo nguồn lao động chất lượng, chọn lọc môi trường làm việc tốt cho người lao động khi đăng ký tham gia chương trình. Hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh hoạt động tuyển sinh đào tạo nghề sau kỳ tuyển sinh đại học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trước mắt tuyển sinh tổ chức đào tạo bằng hình thức trực tuyến, đào tạo phù hợp, nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Dự báo và đề ra các nhiệm vụ cần tập trung trong những tháng cuối năm 2021, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu, phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách, các mô hình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, đầu tư cơ sở hạ tầng, tư vấn giới thiệu việc làm. Phân bổ vốn giải quyết việc làm trên 7 tỷ đồng cho các huyện, thị, thành phố. Thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đánh giá việc thực hiện chính sách bảo hiểm trong các doanh nghiệp. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp bố trí lực lượng tiếp nhận đăng ký bảo hiểm thất nghiệp sau giai đoạn giãn cách.

Tiếp tục phối hợp cùng các ngành, UBND các huyện, thành phố xem xét, định hướng cho người nghèo sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn giải quyết việc làm từ chương trình mục tiêu của Trung ương. Chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, đối tượng, các điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục hưởng các chính sách hỗ trợ để người dân; thống kê, rà soát hộ nghèo, cận nghèo có lao động điều kiện học nghề, nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ an sinh xã hội đối với nhóm hộ nghèo theo chuẩn mới.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn