Đầu tư cơ sở vật chất cho Cơ sở điều trị nghiện
Cập nhật ngày: 26/06/2021 06:33:03
ĐTO - Nhằm tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy, thời gian qua, Cơ sở điều trị nghiện tỉnh Đồng Tháp (tọa lạc xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh) được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Gần đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có đề xuất xây dựng mở rộng để tăng khả năng tiếp nhận học viên của Cơ sở điều trị nghiện tỉnh.
Cơ sở điều trị nghiện tỉnh được đầu tư lắp đặt hệ thống camera quan sát
Cơ sở điều trị nghiện có tổng diện tích đất gần 37,7ha. Hiện tại, diện tích xây dựng khoảng hơn 4.000m2 bao gồm: khu trụ sở làm việc, khu cắt cơn nghiện, phòng y tế, nhà thăm gặp, hội trường, nhà ở của học viên (3 khu với hơn 30 phòng)... Để tạo điều kiện cho học viên giải trí và rèn luyện sức khỏe, Cơ sở điều trị nghiện đã xây dựng 2 sân bóng đá, 1 sân bóng chuyền, trang bị 2 bàn bóng bàn, lắp đặt nhiều dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời và tivi trong phòng ở của học viên. Đơn vị còn được đầu tư lắp đặt hơn 30 camera quan sát tại nhiều nơi như hàng rào, nhà thăm gặp, khu nhà ở... nhằm kiểm soát học viên, kịp thời phát hiện, xử lý những tình huống phát sinh.
Ông Lê Văn Rạng - Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện tỉnh cho biết: “Trước đây, Cơ sở điều trị nghiện có thiết kế xây dựng với quy mô tiếp nhận 300 học viên. Năm 2018 và 2019, cơ sở được sửa chữa, nâng cấp các phòng ở của học viên nên có khả năng tiếp nhận thêm từ 60 - 100 học viên. Với cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động hiện tại, Cơ sở điều trị nghiện tỉnh tiếp nhận, quản lý, điều trị nghiện tối đa được 400 học viên. Còn nếu số lượng học viên nhiều hơn thì cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Qua kết quả rà soát, thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.470 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy (có hồ sơ quản lý). Trong đó đã xác định tình trạng nghiện gần 1.920 người, trên 90% người sử dụng ma túy tổng hợp. Người nghiện ma túy ở nhiều độ tuổi và thuộc nhiều thành phần xã hội. Hiện nay, tỷ lệ người nghiện ma túy chưa được cai nghiện, chữa trị còn khá cao, trở thành nguy cơ lớn gây ra các loại tội phạm; lây truyền những loại bệnh xã hội, nhất là HIV/AIDS.
Những năm gần đây, số lượng học viên tiếp nhận vào Cơ sở điều trị nghiện liên tục tăng. Cụ thể, năm 2018, Cơ sở điều trị nghiện tiếp nhận, quản lý, điều trị nghiện cho 332 học viên, đến năm 2019, 2020 tăng lên lần lượt là 472 và 487 học viên. Hiện tại, có 390 học viên đang được quản lý, cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện. Theo nhận định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ nay đến cuối năm 2021 và những năm tiếp theo, số lượng học viên sẽ tiếp tục tăng. Nếu Cơ sở điều trị nghiện không chuẩn bị trước về cơ sở vật chất thì không đảm bảo cho công tác tiếp nhận học viên vào cai nghiện.
Xuất phát từ thực tế trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp đã có báo cáo gửi Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội về tình hình hiện trạng cơ sở vật chất và đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn Cơ sở điều trị nghiện giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất đầu tư xây dựng mở rộng Cơ sở điều trị nghiện tỉnh Đồng Tháp, nâng quy mô tiếp nhận lên 1.000 đối tượng vào cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện. Trong đó, 700 đối tượng có nơi cư trú điều trị ma túy bắt buộc, 100 đối tượng không có nơi cư trú điều trị ma túy bắt buộc, 200 đối tượng điều trị ma túy tự nguyện. Dự kiến tổng mức đầu tư công trình khoảng 90 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ 90% và vốn đối ứng của ngân sách địa phương là 10%.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mở rộng quy mô Cơ sở điều trị nghiện là điều hết sức cần thiết. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất cho đơn vị, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý học viên nghiện ma túy, tránh quá tải, dẫn đến các sự cố bất ổn, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời tạo điều kiện để Cơ sở điều trị nghiện nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị, giúp người nghiện nhanh chóng từ bỏ ma túy, tái hòa nhập cộng đồng.
N.AN