Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động

Cập nhật ngày: 30/10/2013 05:50:06

Từ nhiều năm nay, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATLĐ, VSLĐ) đã được Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đang có xu hướng tăng về số lượng và nghiêm trọng về mức độ.


Ảnh minh họa (H.V)

Chỉ thị số 29-CT/TWcủa Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác ATLĐ, VSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nêu rõ: Nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa nêu cao trách nhiệm, vi phạm các quy định pháp luật ATLĐ, VSLĐ. Phần lớn người lao động còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chưa thực hiện đúng quy định về khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tình trạng mất ATLĐ, VSLĐ trong các cơ quan, doanh nghiệp, khu vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề xảy ra khá phổ biến; tai nạn lao động, người bị tai nạn, người mắc bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng. Trong đó, có nhiều vụ nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho người lao động và xã hội.

Đối với Đồng Tháp, để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động theo tinh thần Chỉ thị trên của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cụ thể, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm ATLĐ, VSLĐ trong hệ thống chính trị và nhân dân; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm ATLĐ, VSLĐ cho người lao động; đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất trang, thiết bị bảo đảm ATLĐ, VSLĐ, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động.

Nghiên cứu đề xuất với Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách về công tác ATLĐ, VSLĐ. Tiếp tục rà soát, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật lao động về bảo hộ lao động, an toàn lao động; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn lao động. Tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các sở, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện công tác ATLĐ, VSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan, người sử dụng lao động để xảy ra mất ATLĐ, VSLĐ. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác ATLĐ, VSLĐ. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ về ATLĐ, VSLĐ. Khen thưởng, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về công tác ATLĐ, VSLĐ.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác ATLĐ, VSLĐ; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động; phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động chấp hành pháp luật lao động về bảo hộ lao động, ATLĐ, VSLĐ; tổ chức tốt các phong trào về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ trong thời kỳ công nghiệp, hiện đại hóa.

Hoan Huyền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn