Để thi đua khen thưởng được công bằng dân chủ

Cập nhật ngày: 16/12/2013 06:01:00

Hiện nay, việc xét khen thưởng cuối năm đang diễn ra tại các cơ quan, đơn vị. Xung quanh vấn đề làm thế nào để công tác khen thưởng đi vào thực chất, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ - Trưởng Ban thi đua - khen thưởng tỉnh.

Phóng viên (PV): Thưa ông, xin ông cho biết một số vấn đề liên quan đến công tác thi đua khen thưởng trong thời gian qua. Ở các cơ quan, đơn vị, việc xét khen thưởng có đúng thực chất chưa?

Ông Lê Minh Thái (L.M.T.): Việc xét thi đua khen thưởng những năm gần đây có chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên khi đi vào cụ thể thì không riêng gì ở tỉnh ta mà một số địa phương khác vẫn còn khen tràn lan, chưa đi vào thực chất. Ở một số tỉnh, số lượng người đề nghị khen chiến sĩ thi đua cấp tỉnh từ 300 đến 400 người, còn Đồng Tháp thì dao động ở mức 600 - 700 người. Điều này cho thấy dường như có sự hiểu nhầm về Luật thi đua khen thưởng.

Trong Luật ghi rõ những người được khen chiến sĩ thi đua là những người tiêu biểu nhất trong số những người tiêu biểu, trong khi đó đa số chỉ chọn người tiêu biểu là được xét. Do đó, năm nay khác với năm trước, cấp tỉnh chỉ lấy 50% chỉ tiêu các hồ sơ gửi đến. Người được khen là người xứng đáng, tiêu biểu chứ không phải đủ chuẩn là được khen.

P.V: Thời gian qua, Hội đồng thi đua - khen thưởng tỉnh có phát hiện trường hợp nào xét khen không đúng đối tượng? Việc lãnh đạo cùng được xét khen thưởng với nhân viên, hiển nhiên lãnh đạo được khen, ông nghĩ sao về điều này?

Ông L.M.T.: Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa phát hiện được trường hợp nào phản ánh về vấn đề này. Điều này có thể được hiểu như sau: một là đơn vị đã bình bầu chính xác, hai là người dân chưa quen với việc góp ý với Hội đồng thi đua - khen thưởng. Hội đồng thi đua - khen thưởng nhìn vào danh sách thấy khen lãnh đạo nhiều, từ đó có tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy định cụ thể mỗi đơn vị phải ban hành tiêu chuẩn thi đua khen thưởng đối với lãnh đạo và nhân viên. Không thể lấy chuẩn ông giám đốc mà xét cho nhân viên, như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân viên, ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu.

P.V: Ông đánh giá thế nào về hoạt động phổ biến, tuyên truyền khen thưởng tại các đơn vị?

Ông L.M.T.: Thực tế cho thấy không chỉ người lao động mà lãnh đạo đơn vị cũng chưa hiểu rõ về công tác thi đua, khen thưởng. Lãnh đạo cơ quan có triển khai nhưng đôi khi không kiểm tra lại xem cán bộ, nhân viên có nắm vấn đề hay chưa. Nguyên nhân là do cán bộ các sở ngành kiêm, nhiệm, chưa nắm chuyên môn sâu. Các đoàn thể có trách nhiệm hướng dẫn việc đăng ký thi đua khen thưởng đúng, nếu không thành tích đóng góp sẽ bị lệch.

P.V: Để bảo vệ quyền lợi của mình trong thi đua khen thưởng, người lao động cần trang bị những gì? Năm 2014, người lao động có thể hy vọng những gì từ công tác thi đua khen thưởng?

Ông L.M.T.: Người lao động cần lên Website Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh để cập nhật thông tin thường xuyên về vấn đề thi đua khen thưởng. Người lao động khi chưa hiểu thấu đáo, nhận thấy chưa công bằng, dân chủ trong việc xét, khen thưởng tại cơ quan thì cứ phản ánh trực tiếp qua số máy 0918530312. Hội đồng thi đua sẽ đến kiểm tra hoạt động xét thi đua tại đơn vị bị phản ánh. Năm 2014, người lao động bình thường có thể hy vọng được khen thưởng các danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua như những công, viên chức nhà nước.

Hội đồng thi đua - khen thưởng tỉnh khuyến khích người dân đóng góp, hiến kế để phong trào thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, đúng đối tượng. Việc khen thưởng đúng đối tượng sẽ góp phần khích lệ tinh thần, cá nhân, tập thể phấn đấu, ngược lại khen không đúng đối tượng, không đúng thực chất sẽ làm thui chột ý chí phấn đấu cá nhân, tập thể. Và nếu cá nhân được khen mà tập thể không phục thì toàn tập thể không ai muốn được khen như thế cả.

P.V Xin cám ơn ông.

Cúc Phương
(Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn