Để xã hội không còn người khuyết tật

Cập nhật ngày: 22/09/2014 05:05:05

Người khuyết tật (KT) là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc suy giảm khả năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính cứ 10 người thì có một người KT và 1/4 dân số thế giới bị ảnh hưởng bởi KT. Hiện trên toàn thế giới có 650 triệu người KT.

Nguyên nhân KT bao gồm: bệnh tật, tai nạn, thảm họa môi trường, tuổi thọ cao, thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với người KT, bên cạnh đó còn do chiến tranh, đói nghèo, ô nhiễm môi trường... và nguyên nhân khác, khiến người KT trở thành tàn tật là do thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội và có một cuộc sống giống như các thành viên bình thường khác của xã hội.

Có nhiều loại khuyết tật như: KT về thể chất tổn thương các cơ quan vận động như não, tủy sống, thần kinh ngoại biên, các tổn thương cơ xương khớp, cơ quan cảm giác, nội tạng. KT do các tổn thương về tâm thần như: chậm phát triển tâm thần, tâm thần phân liệt, tự kỷ... Đa KT: người có hai tật trở lên, thường do tổn thương não như: đột quỵ, sau chấn thương sọ não, viêm não, bại não...

Dù bị khiếm khuyết ở bộ phận cơ quan nào trên cơ thể thì người KT cũng chịu nhiều thiệt thòi về mặt xã hội, gia đình và chính bản thân của họ không có hoặc giảm khả năng sản xuất, thường mắc bệnh cao, chết sớm, ít có cơ hội vui chơi, học tập, thất nghiệp cao, thu nhập thấp, ít có khả năng xây dựng gia đình, và thường bị xã hội lãng quên. Để hạn chế những tổn thương về thân thể và giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, có thể phòng ngừa tàn tật bằng cách các biện pháp sau: cần tiêm chủng đầy đủ, đúng, đảm bảo điều kiện vệ sinh sức khỏe, chống bạo lực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng; phát hiện sớm các khuyết tật nếu có. Bên cạnh đó, cần cung cấp kịp thời các nhu cầu về phục hồi chức năng để giảm đi tình trạng từ khiếm khuyết dẫn đến giảm chức năng và trở thành người KT.

Cần chú ý đến cải thiện môi trường và thái độ của xã hội, phát hiện sớm KT tại cộng đồng và can thiệp kịp thời. Nói chung KT chúng ta có thể phòng ngừa được. Phòng ngừa khiếm khuyết, giảm chức năng KT là nhiệm vụ của mỗi người.

c.l

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn