Đề xuất giải pháp phát triển bảo hiểm y tế toàn dân
Cập nhật ngày: 21/07/2014 05:08:34
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XI của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 171-CTr/TU ngày 26/3/2013 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 59/KH-UBND của UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020; Kế hoạch số 157/KH-UBND của UBND tỉnh, thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, phấn đấu đến 2015 có trên 70% dân số tham gia BHXH và đến 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT; tại kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa 8, ông Nguyễn Minh Hiếu - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp đã có bài tham luận đề xuất triển khai thực hiện các nhóm giải pháp phát triển BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh. Sau đây là nội dung các nhóm giải pháp:
Phát triển đối tượng tham gia
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các ngành, các cấp trong tỉnh về đẩy mạnh việc thực hiện BHYT toàn dân. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình, Kế hoạch phát triển BHYT đã ban hành, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, phân công cụ thể từng ngành, từng địa phương thực hiện việc tuyên truyền, vận động tham gia BHYT, đảm bảo đạt chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên chi bộ khóm, ấp trong việc tuyên truyền, vận động tham gia BHYT tại cơ sở, đặc biệt quan tâm chỉ đạo sâu sát đối với khóm, ấp thuộc xã nông thôn mới để sớm đạt các tiêu chí nông thôn mới, đồng thời góp phần tăng tỷ lệ dân số có thẻ BHYT.
Thực hiện có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách BHYT để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT, ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của hệ thống chính trị trong việc thông tin, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia BHYT.
Kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ mức đóng BHYT 20% còn lại đối với người thuộc hộ cận nghèo, với số lượng 56.396 người.
Đề nghị ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tăng cường chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường học, vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT, phấn đấu đạt 100% theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm ban hành chuẩn mức sống trung bình của hộ nông, lâm, ngư nghiệp để làm cơ sở hỗ trợ 30% mức đóng theo Luật BHYT, tạo điều kiện cho đối tượng này tham gia BHYT.
Triển khai thực hiện quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi, đến người thứ năm chỉ đóng 40% mức đóng, từ 1/1/2015 (Luật hiện hành 60%). Quy định này sẽ khắc phục tình trạng trùng thẻ, hạn chế tình trạng chỉ có người bệnh mới tham gia BHYT, đảm bảo chia sẻ ngay trong hộ gia đình.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mở rộng quyền lợi
Đề nghị tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bi y tế; bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế, để thực hiện tốt hơn công tác khám chữa bệnh (KCB), bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND), đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân có thẻ BHYT.
Triển khai thực hiện việc mở rộng phạm vi quyền lợi và mức hưởng, ngay sau khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014 có hiệu lực thi hành, tạo sự thu hút người dân tham gia BHYT, gồm: bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Tháp có 7 xã); bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân chủ yếu của liệt sỹ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống 5% đối với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ cận nghèo; quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có 5 năm tham gia BHYT liên tục trở lên, đã thực hiện cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; mở thông tuyến KCB BHYT: Từ 1/1/2016 sẽ mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh và thông tuyến KCB BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Giải pháp về công tác quản lý, thực hiện
Đề nghị Sở Y tế tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHYT, đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT, nhằm đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT và các đối tượng thuộc diện bắt buộc phải thực hiện nghiêm túc theo Luật định. Phát huy vai trò trách nhiệm của các thành viên Ban CSSKND các cấp, phân công trách nhiệm của từng thành viên, đảm bảo công tác CSSKND thông qua chính sách BHYT.
Ngành BHXH thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT; giảm thủ tục hồ sơ, rút ngắn thời gian chờ đợi khi KCB bằng thẻ BHYT để thu hút người dân tham gia BHYT; kiện toàn lực lượng đại lý thu phí và cấp phát thẻ BHYT theo hướng chuyển đổi đại lý thu là cá nhân chuyển sang tổ chức, có pháp nhân, đảm bảo tính pháp lý, nhân lực để tăng cường vai trò trách nhiệm của đại lý thu BHYT.
Kiến nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xây dựng chương trình quản lý bệnh nhân KCB kết hợp với thanh toán BHYT và cho chủ trương trang bị máy đọc thẻ BHYT có mã vạch, rút ngắn thời gian chờ đợi làm thủ tục khám bệnh, vì hiện nay đã cấp thẻ BHYT có mã vạch, nhưng chưa trang bị máy đọc cho các cơ sở KCB.
Nguyễn Minh Hiếu