Điểm giữ trẻ bán trú nông thôn - môi trường an toàn trong chăm sóc và giáo dục trẻ

Cập nhật ngày: 06/08/2014 05:06:48

Trung bình mỗi năm học, toàn tỉnh có hơn 400 điểm giữ trẻ bán trú nông thôn (cộng đồng) hoạt động với gần 7.000 trẻ tham gia. Đây là nơi đảm bảo an toàn cho trẻ, giúp trẻ được chăm sóc tốt hơn về dinh dưỡng và tiếp cận với môi trường giáo dục tốt.

C
ác em tại điểm giữ trẻ bán trú trong giờ nghỉ

Điểm giữ trẻ mầm non của cô Huỳnh Thị Nga ngụ tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh được thành lập hơn 10 năm. Đây là điểm thu hút nhiều phụ huynh gởi con vào. Cô Huỳnh Thị Nga cho biết: “Hiện tôi giữ 47 cháu, mỗi tháng cha mẹ các cháu chỉ đóng hơn 300.000 đồng để mua thực phẩm nấu ăn cho các cháu. Trẻ của lớp đông nên các cô giáo, cô cấp dưỡng đều rất vất vả trong công việc chăm sóc các cháu...”. Chị Kim Hướng, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự cho biết: “Là công chức, nên ít có thời gian chăm sóc chuyện ăn, ngủ cho cháu, tôi gửi cháu vào điểm giữ trẻ của xã Thường Lạc để cháu được chăm sóc và học nhiều điều hay”.

Sau thời gian hoạt động với sự quan tâm của địa phương, sự đóng góp của các mạnh thường quân, hiện nay các điểm giữ trẻ bán trú khang trang hơn tạo môi trường học tập tốt cho học sinh. Không gian lớp được giáo viên chăm chút, trang trí lớp động, hấp dẫn, làm nhiều mô hình đồ chơi cho trẻ. Ở các điểm giữ trẻ, các cháu được vui chơi, ca hát, hướng dẫn kỹ năng...

Về việc quản lý, người chịu trách nhiệm chính tại các điểm giữ trẻ là hiệu trưởng của trường mẫu giáo, mầm non tại điểm chính. Trung bình mỗi điểm giữ trẻ có 15 đến 47 cháu là con em của người dân trong ấp. Đa số phụ huynh gửi con em ở các lớp bán trú nông thôn đều có hoàn cảnh khó khăn nên việc hỗ trợ kinh phí cho các điểm giữ trẻ bán trú, mẫu giáo bán trú cũng hạn chế. Do đó, ngoài phần kinh phí tỉnh, một số địa phương như thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ đồ chơi, áo phao, gạo để các điểm giữ trẻ bán trú nông thôn duy trì hoạt động.

Do chỉ là điểm giữ trẻ bán trú, nên người giữ trẻ, cô cấp dưỡng đều có thu nhập khá thấp, chưa đến 1,5 triệu đồng/tháng. Cô Huỳnh Thị Nga cho biết thêm: “ Chi phí thức ăn, gas, củi đều tăng nhưng tiền đóng của các cháu thì không tăng được. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tiền lương tăng lên ở mức 1,5 triệu đồng/tháng để giáo viên, cô cấp dưỡng yên tâm gắn bó với nghề...”.

Để hỗ trợ cho giáo viên giữ trẻ, giáo viên cấp dưỡng đang làm việc tại các điểm giữ trẻ bán trú, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo hỗ trợ các giáo viên làm việc tại các nhà trẻ cộng đồng; đồng thời, thống nhất kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc chuyển điểm giữ trẻ, mẫu giáo cộng đồng có đủ điều kiện thành điểm phụ của trường mầm non công lập.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn