Đôi bờ nhớ mãi những chuyến phà Cao Lãnh
Cập nhật ngày: 15/02/2018 07:11:29
ĐTO - Khi cầu Cao Lãnh đảm nhận việc lưu thông cho người và phương tiện qua sông thì phà Cao Lãnh cũng kết thúc sứ mệnh đầy tự hào. Mỗi khi qua cầu, rất nhiều người sẽ nhớ về những chuyến phà Cao Lãnh bền bỉ một thời gian dài đưa khách sang sông, góp phần vào sự đổi mới, đi lên của quê hương, đất nước.
Phà Cao Lãnh nằm giữa hai bờ sông Tiền, đoạn chảy qua tỉnh Đồng Tháp, phía bờ Bắc, thuộc phường 6, TP.Cao Lãnh; phía bờ Nam, thuộc xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò. Khúc sông nơi đây rộng gần 1.000m; ngược về thượng lưu là vùng Hồng Ngự hoặc Vàm Cống - An Giang, xuôi về hạ lưu là Sa Đéc, Châu Thành và nhiều tỉnh khác.
Những chiếc phà Cao Lãnh sắp hoàn thành sứ mệnh
Tháng 5/1975, tiếp quản cơ sở vật chất và con người của chế độ cũ để lại, phà Cao Lãnh là một đầu mối phục vụ giao thông của Ty Giao thông Vận tải. Lúc đó, phà có khoảng 25 cán bộ, công nhân viên; có 2 phà 60 tấn và 1 phà 4G 25 tấn, 1 chiếc chẹt sắc 15 tấn, có ponton bằng xi măng cốt thép; máy móc cũ, vật tư trang thiết bị phục vụ cho sửa chữa thiếu và không đồng bộ. Hiện nay, phà Cao Lãnh có 5 phà 100 tấn, 3 phà 60 tấn và 2 phà 40 tấn phục vụ 24/24 giờ; xe gắn máy qua phà trên 13.600 lượt/ngày, ô tô các loại qua phà gần 2.000 lượt/ngày (hai bờ). Ông Nguyễn Hữu Phước - Giám đốc Phà Đồng Tháp (quản lý Phà Cao Lãnh và Phà Sa Đéc) cho biết, khi cầu Cao Lãnh chính thức thông xe thì Phà Cao Lãnh hoàn thành xứ mệnh, không còn hoạt động. Nhìn lại quá trình phát triển, các thế hệ công tác ở Phà Cao lãnh rất tự hào là luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo an toàn, phục vụ xuyên suốt cho hành khách, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Hữu Hiếu - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp kể: “Khoảng tháng 8/1965, lần đầu tiên tôi đến Cao Lãnh. Tôi ấn tượng nhất là sau khi qua Phà Mỹ Thuận, thấy xe lên xuống thuận lợi, nhưng khi đến Phà Cao Lãnh, mỗi khi xe muốn lên xuống phà phải qua ponton xoay, có nhiều công nhân xoay ponton cho trùng khớp với cầu phà, vì bến phà hẹp, không có không gian để tài xế lái xe lên xuống thuận tiện như bây giờ. Sau đó, tôi cũng qua lại Phà Cao Lãnh nhiều lần, nhưng không nhớ ponton xoay đó được thay thế bằng bằng ponton hiện đại hơn từ khi nào. Tôi cũng chưa biết rõ, bến phà Cao Lãnh có hồi nào, nhưng tôi biết nó gắn với nhiều sự kiện quan trọng trong kháng chiến. Chẳng hạn, cuộc biểu tình lớn nhất ở Nam Kỳ đòi miễn thuế thân do Đảng bộ Hòa An tổ chức vào ngày 5/3/1930 hay trong cuộc giành chính quyền ở Cao Lãnh vào tháng 8/1945, chúng ta có biện pháp làm cho bến phà tạm ngưng hoạt động, rồi sự kiện 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (năm 1954)...”.
Trong hồi ký 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (năm 1954): Đi vinh quang - Ở anh dũng, ông Nguyễn Đắc Hiền - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp viết: “... có bến xe đò đưa khách từ Cao Lãnh đi Sài Gòn, phải qua bắc Cao Lãnh, xuống Sa Đéc, qua bắc Mỹ Thuận, vì lúc đó chưa thông lộ từ Cao Lãnh đến An Thái Trung tới Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A)...”. “... Bến bắc Cao Lãnh từ ngày 6 tháng 10 năm 1954 bắt đầu những chuyến tàu chuyển bộ đội ta ra miền Bắc. Mỗi lần, có hàng ngàn người đứng dọc hai bên đường tới bến bắc, lưu luyến tiễn đưa con em mình xuống tàu ra Bắc. Những lời chúc, lời nhắn nhủ, những cái vẫy khăn, vẫy nón, những cánh tay giơ cao chìa ra hai ngón, tượng trưng cho hai năm sau sẽ gặp lại...”. Hồi ức những ngày tập kết, trung tá Trần Hoàng Thiện, viết: “... Ngày lên đường ra Bắc đã đến. Chúng tôi, đội ngũ chỉnh tề hành quân ra bến bắc. Dọc đường dân chúng giơ cao hai ngón tay tiễn đưa. Tại bến bắc Cao Lãnh, dân tập trung đông quá, tóc các mẹ bạc phơ, khăn rằn, khăn tay vẫy chào, những bàn tay lau nước mắt, lòng chúng tôi nghẹn lại... ”.
Ông Lê Thúy Cần, từ Thanh Hóa về công tác ở Phà Cao Lãnh từ năm 1978 đến khi về hưu vào năm 2015 và là người đứng đầu Phà Cao Lãnh từ 1986 đến khi nghỉ hưu. Ông Cần nói: “Tôi nghe nhiều người cao niên kể trước năm 1945, Phà Cao Lãnh có tên là bến đò Tân Tịch. Sau đó, bến có phà 1 đầu, có ponton xoay và dần dần về sau được đầu tư ngày càng hiện đại, văn minh. Năm 1992, UBND tỉnh có quyết định đổi tên “Bến phà Cao Lãnh” thành “Phà Cao Lãnh”. Giai đoạn đầu sau giải phóng, bến phà có 2 chiếc phà đóng từ thời Pháp xâm lược, nhưng chạy chỉ 1 chiếc, phục vụ từ 5 giờ sáng đến 21 giờ đêm. Mỗi ngày phà chạy 10 - 12 chuyến. Khách qua phà chủ yếu là người đi bộ và đi xe đạp”.
Nhà sát bến phà, khi về hưu, ông Lê Thúy Cần thường ra ban công nhìn những chiếc phà qua lại và nhớ về những kỷ niệm mấy mươi năm gắn bó với bến phà Cao Lãnh
37 năm gắn bó với Phà Cao Lãnh, ông Cần có nhiều ký ức, nhất là những khó khăn mà ông và đồng nghiệp trải qua. Chẳng hạn, những năm sau giải phóng, phà cũ nên thường xuyên bị hỏng, các công nhân phải sửa chữa rất vất vả, muốn thay phụ tùng cũng không có, phải đi lên Sài Gòn mới có thể mua được. Rồi chuyện trước năm 1990, có chiếc phà có tên là “Thanh Niên” 25 tấn, do Đoàn Thanh niên của phà sửa chữa, cải tạo từ một chiếc phà cũ, chạy rất nhanh 3-5 phút/chuyến (lúc đó có chiếc phà 60 tấn chạy khoảng 30 phút/chuyến). Phà Thanh Niên thường dùng để phục các đoàn công tác ở Trung ương về, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước,... phục vụ trong tình huống cần giải quyết nhanh. Khi phà còn ponton 3 bến ghé, mỗi khi phục vụ các phái đoàn công tác rất vất vả, nhất là vào lúc nước chảy mạnh, chỉ ghé được có một bến nên phải liên hệ bên Công an xem phái đoàn khoảng bao giờ đến. Trước khi đoàn đến khoảng 10 phút là phà ngưng phục vụ khách để ưu tiên phục vụ đoàn. Có lần anh em công nhân cho hay một chiếc ô tô lên ponton bị cháy, chữa không hiệu quả, ông Cần kêu anh em đẩy xe xuống sông... Ông Cần cũng không thể nào quên những lần anh em đang làm nhiệm vụ trên phà lao xuống sông cứu người đi phà định nhảy xuống sông tự tử.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Phà Cao Lãnh đã chứng kiến nhịp sống đi lên từng ngày từ người và phương tiện. Phà từ chủ yếu chở người đi bộ, xe lôi, xe ba gác, rồi dần dần chở xe gắn máy, xe ô tô chiếm đa số, người đi bộ rất ít. Nhiều người sẽ không thể nào quên những khi qua phà ngắm dòng sông Tiền mùa phù sa về, mùa nước rút... với những đám lục bình trôi, những chiếc tàu, ghe ngược xuôi... hay những chuyến phà đêm nhiều cảm xúc. Còn những người đã từng công tác ở phà cũng rất tự hào là đã góp phần đưa không biết bao lượt người và phương tiện qua sông an toàn. Hiện phà có một gia đình 4 đời có người làm việc tại bến phà, từ giai đoạn khoảng 1945 đến giờ và nhiều gia đình 3 đời, 2 đời có người làm việc cho phà. Nhìn cầu Cao Lãnh, cũng như mọi người, cán bộ, công nhân của phà ai cũng vui vì ước mơ đã thành hiện thực, nhưng họ không khỏi bồi hồi khi nhớ về những chuyến phà với bao kỷ niệm.
Thành Nam