Đổi mới công tác đào tạo nghề nông thôn
Cập nhật ngày: 18/10/2013 04:25:22
Nhờ đổi mới công tác điều hành các hoạt động liên quan đến đào tạo nghề, năm 2013, hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Đó là nhận định của ông Đỗ Minh Triết - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).
Học viên đan ghế nhựa sau khi được đào tạo nghề
Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp đến các đơn vị đào tạo nghề, trung tâm dạy nghề trong toàn tỉnh; tập trung thực hiện rà soát nhu cầu học nghề của người dân tại các địa phương trong tỉnh. Sau đó khảo sát, đánh giá nghề nào học xong có được việc làm, đầu ra sản phẩm ổn định thì tiếp tục mở lớp, nghề nào đang mai một, không có hướng phát triển sẽ không mở lớp.
Theo ông Triết, nghề nông thôn không phải để làm giàu mà chủ yếu giải quyết lao động nông nhàn, giúp người dân có thêm thu nhập. Vì vậy, các nghề được mở tại địa phương phải gắn với tiêu chí mở lớp theo nhu cầu, không đủ số lượng người đăng ký thì không mở lớp. Học xong nghề, lao động có thể đi gia công sản phẩm hoặc tự tạo việc làm tại nhà.
Những đổi mới đó bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Trong 9 tháng đầu năm 2013, các trường, trung tâm dạy nghề trong toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo 16.155 học viên, đạt 80,78% kế hoạch (cao đẳng nghề 413 học viên; trung cấp nghề 934 học viên; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 14.808 học viên); mở các lớp dạy học và kỹ năng dạy nghề cho 80 giáo viên dạy nghề; có 27.609 lao động được giải quyết việc làm, đạt 92% kế hoạch năm. Dù kết quả chưa cao nhưng công tác đào tạo nghề đang được thực hiện theo hướng nâng cao hiệu quả đào tạo.
Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Trung ương và địa phương, đến nay tuyến tỉnh có các trường cao đẳng, trung cấp các huyện, thị, thành có trung tâm dạy nghề đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực nghề phục vụ cho nhu cầu địa phương. Thời gian qua, việc tuyển học viên vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề gặp nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân như: tâm lý học viên và gia đình học viên thích làm việc hành chính, học những nghề nhàn hạ; các trường đại học, cao đẳng kéo dài thời gian tuyển sinh; số lao động đi làm việc ngoài tỉnh nhiều... Giải quyết khó khăn này, các trường, trung tâm dạy nghề đã thực hiện các hình thức liên kết đào tạo nghề mới thu hút học viên, trực tiếp tư vấn tuyển sinh tại trường THPT, tại hộ gia đình, tuyên truyền trên báo, hệ thống truyền thanh, thông qua các hội đoàn thể.
Những tháng cuối năm, công tác đào tạo nghề, tư vấn nghề, khảo sát nghề tiếp tục được Sở LĐ - TB&XH, đơn vị dạy nghề thực hiện như mở lớp mới theo kế hoạch; tăng cường mở các lớp nghề liên kết, dạy nghề theo địa chỉ. Đối với các xã nông thôn mới, Sở thành lập tổ khảo sát, hướng dẫn, giúp đỡ địa phương trong công tác định hướng mở các lớp nghề theo nhu cầu học nghề của người dân. Đồng thời phối hợp với ngân hàng tập trung vốn vay hỗ trợ cho người dân sau học nghề, tạo việc làm tại địa phương.
Lê Thanh