Trường Trung cấp nghề Thanh Bình
Đổi mới hình thức đào tạo nghề
Cập nhật ngày: 20/09/2013 05:00:17
Trường Trung cấp nghề (TCN) Thanh Bình, huyện Thanh Bình là một trong những điểm trường TCN nghề được tỉnh đầu tư kinh phí, trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại địa phương. Từ đầu năm 2013 đến nay, Trường TCN Thanh Bình đã đào tạo nghề nông thôn đạt 80% kế hoạch năm, đồng thời ứng dụng công nghệ mới vào việc sản xuất chế biến thực phẩm.
Học viên Trường Trung cấp nghề Thanh Bình trong giờ thực hành vi tính
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956), Trường TCN Thanh Bình mở 16/19 lớp nghề nông thôn, có 480 học viên tham gia học các lớp: đan giỏ tại các xã Tân Hòa, Phú Lợi; đan ghế tại xã Tân Thạnh, An Phong, Bình Tấn, thị trấn Thanh Bình; may công nghiệp tại Trường. Ngoài ra, trường còn phối hợp với Công ty chế biến thủy sản Vạn Ý, Hùng Cá đào tạo 420 học viên theo địa chỉ.
Tạo điều kiện cho học viên có việc làm, trường phối hợp với các công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn như: Công ty may Hoàn Cầu, Công ty Cổ phần Sao Mai, các xí nghiệp may tại thị xã Sa Đéc, cơ sở may tại xã Bình Thành, Phú Ninh để hướng dẫn nghề, giới thiệu việc làm cho học viên sau khi ra trường.
Ông Phạm Văn Hưởng - Phó Hiệu trưởng Trường TCN Thanh Bình cho biết: “Đối với đào tạo nghề nông thôn, trường thực hiện việc lấy ý kiến, nguyện vọng từ cấp xã. Sau đó thẩm định, đề nghị về trên mở lớp. Đối với những địa phương đề xuất nghề nông thôn không phù hợp, trường sẽ không mở lớp, bởi mục tiêu của trường là đào tạo nghề gắn với việc làm, thực hiện liên kết nhà trường, doanh nghiệp, nhà nông. Thực hiện theo phương châm này, có một vài xã chuyển từ nghề đan giỏ sang đan ghế để có thu nhập cao...”.
Ngoài đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề hệ trung cấp, trường còn đào tạo các nghề về kỹ thuật máy lạnh, sửa chữa lắp ráp máy tính, chế biến, bảo quản thủy sản. Thời gian qua, Trường TCN Thanh Bình còn được tỉnh đầu tư dây chuyền chế biến, bảo quản thủy sản với hệ thống sấy, ướp, hấp chín sản phẩm. Với kinh phí 5 tỷ đồng được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương, trường đã vận hành dây chuyền chế biến, bảo quản sản phẩm, cho ra đời sản phẩm cá nục sốt cà đóng hộp. Dù trong giai đoạn đầu, nhưng khẳng định bước tiến của trường TCN trong việc vận dụng quy trình đào tạo gắn với thực hành và sản phẩm.
Trường xác định mục tiêu mũi nhọn trong năm 2013 là ngành chế biến, bảo quản thủy sản, do vậy trong tháng 10/2013, trường khởi công nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mới với loại sản phẩm cá nục sốt cà, đưa sản phẩm trên ra thị trường; đồng thời nghiên cứu sản phẩm chế biến, bảo quản từ cá tra, cá lóc sấy chân không.
Ông Phạm Văn Hưởng - Phó Hiệu trưởng Trường cho biết thêm, vận dụng dây chuyền mới trong đào tạo nghề hệ trung cấp, không chỉ tạo động lực cho học viên mà còn giúp học viên tăng thời lượng thực hành sản phẩm, các em sẽ giỏi nghề hơn sau khi ra trường. Các em sẽ yêu thích hơn khi đến với các chương trình nghề.
P.Lộc