Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua việc hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế trong giai đoạn mới

Cập nhật ngày: 19/12/2022 08:15:10

ĐTO - Ngày 5/12/2022, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6, khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.


Ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn

Theo bà Trương Thị Mai, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) được Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện từ nhiệm kỳ Đại hội VII đến Đại hội X của Đảng. Tuy nhiên, phải đến nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, Luật BHYT mới quy định cụ thể: BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT. Đồng thời là bước chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, Quỹ BHYT đã thực hiện chi trả với số tiền hơn 100 nghìn tỷ đồng cho khoảng 160-185 triệu lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có 4 người bệnh được Quỹ BHYT chi trả trên 3 tỷ đồng. Cụ thể: người bệnh được Quỹ BHYT chi trả cao nhất hơn 3,9 tỷ đồng có mã thẻ BT2868621XXXXXX, sinh năm 1984, địa chỉ: ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, chẩn đoán bệnh chính là “Thiếu yếu tố VIII di truyền”; người bệnh được Quỹ BHYT chi trả cao thứ 2 trên 3,3 tỷ đồng: mã thẻ TE1343422XXXXXX, sinh năm 2017, địa chỉ: tổ 15, phường Đề Thám, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích lũy glycogen; Rối loạn chuyển hóa khác”; người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 3 gần 3,9 tỷ đồng: Mã thẻ BT2202020XXXXXX, sinh năm 2006, địa chỉ: xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, chẩn đoán bệnh chính là “Thiếu yếu tố VIII di truyền”; người bệnh được Quỹ BHYT chi trả cao thứ 4 gần 3,5 tỷ đồng: mã thẻ TE1262621XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ: thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích lũy glycogen; Rối loạn chuyển hóa pyruvat và tân tạo glucose”.

Trong 4 trường hợp nêu trên, có 2 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, 2 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi, đều được cấp thẻ BHYT. Bên cạnh đó, 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 2,2 triệu học sinh, sinh viên khám, chữa bệnh BHYT với trên 3,9 triệu lượt khám chữa bệnh (KCB), số tiền được Quỹ BHYT chi trả gần 1.770 tỷ đồng. Điều này đã góp phần thể hiện rõ vai trò, giá trị và lợi ích to lớn mà chính sách BHYT mang lại đối với công cuộc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Cùng với đó, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng cụ thể: Khi tham gia BHYT, người dân sẽ được Quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí KCB BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí KCB BHYT.

Có thể nói, BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta. Việc đưa chính sách BHYT đi vào cuộc sống với hơn 90% dân số tham gia khẳng định thành quả, quyết tâm trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự những đóng góp quan trọng của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam - cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị.

V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn