Đồng loạt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết
Cập nhật ngày: 06/02/2018 11:25:55
(Ông Phạm Văn Phước - Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)
Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở
- PV: Tết sắp đến, các ngành chức năng tập trung những việc gì để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đề phòng trường hợp ngộ độc rượu, thực phẩm xảy ra?
- Ông Phạm Văn Phước: Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh về việc triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân 2018, các ngành liên quan đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu như: hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các nơi có cửa khẩu, các trung tâm mua sắm; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ngành chức năng huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về ATTP, kiến thức về ATTP; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP trước, trong và sau Tết; phối hợp phát huy vai trò của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ trong các hoạt động truyền thông về đảm bảo ATTP.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành sẽ tăng cường, tập trung việc chấp hành các quy định về ATTP tại các cơ sở thực phẩm, nhất là những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, chú trọng những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo đảm ATTP. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các ngành kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP để nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng. Hoạt động thanh tra, kiểm tra diễn ra đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm đúng tiến độ theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP.
- PV: Hàng hóa thực phẩm Tết thì tràn lan, đa dạng, chúng ta gặp những khó khăn gì trong quản lý?
- Ông Phạm Văn Phước: Hoạt động bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán là một trong những trọng tâm của công tác bảo đảm ATTP trong năm, các ngành chức năng đã có bước chuẩn bị và tổ chức lực lượng chu đáo để thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn. Chẳng hạn, hàng hóa thực phẩm Tết tăng nhanh về số lượng và đa dạng về chủng loại. Mặc dù đã chuẩn bị lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các tuyến trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là công tác kiểm tra đối với các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Đa số các cơ sở này có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Công tác xử lý các hành vi vi phạm có những khó khăn nhất định, đặc biệt là các đối tượng vi phạm là các hộ kinh doanh cá thể, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, địa điểm kinh doanh không cố định. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp. Các loại hóa chất rất đa dạng về chủng loại, trong khi năng lực kiểm nghiệm tại địa phương có giới hạn, công tác định danh các loại hóa chất này chưa theo kịp nhu cầu thực tế.
- PV: Ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng trong dịp Tết này?
- Ông Phạm Văn Phước: Thực phẩm hiện nay có rất nhiều chủng loại theo nguồn cung cấp, cách sơ chế, chế biến, tính khả dụng... Tùy theo loại thực phẩm có các nguy cơ ô nhiễm các tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng khác nhau. Đối với nguyên liệu thịt, cá, có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng.), ô nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản...). Đối với rau củ quả, có nguy cơ ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, vi sinh vật gây bệnh. Đối với thực phẩm bao gói sẵn, có nguy cơ ô nhiễm hóa chất, phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu. Còn đối với rượu không an toàn, có hàm lượng Aldehyt cao, ngâm các loại cây, con chứa các độc tố chết người, có cồn công nghiệp. Nguyên liệu thực phẩm thì có thể chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, cá nóc, cóc, ốc ma, bạch tuộc đốm xanh, tảo độc...).
Do đó, trước tiên người tiêu dùng cần thận trọng trong việc chọn mua các loại thực phẩm để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình, lưu ý nên lựa chọn ở các cửa hàng, quầy hàng có tín nhiệm quen thuộc, siêu thị..., những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện ATTP.
Các thực phẩm sau khi lựa chọn, mua về, cần chú ý tới việc bảo quản, nhất là các thực phẩm chưa được chế biến ngay. Việc bảo quản các thực phẩm đã chọn phù hợp với từng nhóm thực phẩm, sẽ giúp không bị mất các chất dinh dưỡng của thực phẩm, đồng thời đảm bảo độ tươi, ngon khi chế biến món ăn. Đối với nhóm tươi sống như rau, quả thì cần bảo quản trong tủ lạnh ở ngăn mát.
Đối với nhóm thịt, cá, hải sản nếu chưa chế biến ngay, cần bảo quản trong tủ đông lạnh. Nhóm trứng, sữa cần để ngăn mát tủ lạnh hoặc nơi mát trong nhà, tránh ánh nắng trực tiếp. Nhóm ngũ cốc hạt cần để nơi thoáng, khô ráo, tránh ẩm. Một số thực phẩm khi để đông lạnh, nhiệt độ thấp sẽ ức chế các enzym, phá hủy chất dinh dưỡng và vitamin như rau, quả, trứng, sữa, do đó không nên để các thực phẩm này tại ngăn đông lạnh.
Ngoài ra trong dịp Tết, tùy theo thể trạng sức khỏe người tiêu dùng cần sử dụng thực phẩm ở mức vừa phải, nhất là với các sản phẩm giàu đạm, không nên sử dụng thái quá dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Thống kê ở các bệnh viện cho thấy, tỷ lệ tai nạn giao thông do rượu, bia trong dịp Tết tăng cao. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân, trong đó có người tiêu dùng thực phẩm hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông trong lúc vui xuân, đón Tết.
Trường hợp sử dụng rượu, bia cần lưu ý là không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia.
PV: Xin cám ơn ông!
Thành Nam (thực hiện)