Gặp gỡ 2 đoàn viên được Tổng Liên đoàn Lao động tặng Bằng Lao động sáng tạo

Cập nhật ngày: 19/08/2021 14:25:26

ĐTO - Hưởng ứng Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, các cấp công đoàn (CĐ) trong tỉnh triển khai sâu rộng đến từng đơn vị, doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần thi đua lao động, sáng tạo trong đoàn viên và người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét chọn 130 sáng kiến tiêu biểu, xuất sắc để tôn vinh và trao Bằng Lao động sáng tạo, trong đó tỉnh Đồng Tháp có 2 đoàn viên tiêu biểu, xuất sắc được xét chọn trong lần biểu dương này.


Anh Võ Thanh Phương

Thiết kế hệ thống nước lạnh Glycol, làm lợi 1,2 tỷ đồng/năm

Với niềm đam mê, sáng tạo trong công việc, anh Võ Thanh Phương - Giám đốc Nhà máy Đông lạnh, Phó Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II (gọi tắt là Công ty Cadovimex II) đã thực hiện sáng kiến “Thiết kế hệ thống nước lạnh Glycol trong quy trình chế biến thủy sản”, qua đó đã góp phần làm lợi 1,2 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp.

Công tác tại Công ty Cadovimex II được 8 năm với chuyên môn là Kỹ sư Công nghệ thực phẩm, anh Phương luôn dành sự quan tâm cho công tác đổi mới, cải tiến các thiết bị để nâng cao năng suất, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Anh Phương thấy được hạn chế của hệ thống nước lạnh Glycol trong quy trình chế biến thủy sản. Các công đoạn rửa cá đều phải bố trí công nhân lấy đá vảy từ kho để bổ sung đá vào tất cả các bồn rửa cá. Điều này dẫn đến tiêu tốn lao động và dễ nhiễm chéo vi sinh từ người lao động vào nước đá và bồn nước lạnh rửa sản phẩm. Qua tìm hiểu tài liệu, nghiên cứu trên mạng và trao đổi với các đơn vị điện lạnh, anh Phương đã thiết kế hệ thống nước lạnh Glycol cho các công đoạn rửa sản phẩm trong nhà máy chế biến thủy sản.

Kết quả cho thấy, hệ thống nước lạnh Glycol đem lại hiệu quả rất lớn: giảm lao động vận chuyển đá vảy từ kho đá vảy đến các công đoạn rửa sản phẩm, luân chuyển lao động thừa qua công đoạn phù hợp; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (tránh nhiễm chéo vi sinh); giảm chi phí sử dụng điện, chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động... Tiết kiệm được chi phí lao động và tiền điện là 1,2 tỷ đồng/năm, giúp công ty có thể cạnh tranh chi phí sản xuất với các công ty khác cùng ngành nghề.

Với vai trò là Phó Chủ tịch CĐ cơ sở, anh Phương tham mưu cho Ban Tổng giám đốc công ty tổ chức tốt việc triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản có liên quan đến người lao động; tổ chức tốt công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; phát động nhiều phong trào thi đua, đoàn viên và người lao động có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả sản suất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Anh Võ Thanh Phương được CĐ các khu công nghiệp, khu kinh tế tặng nhiều Giấy khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua và hoạt động CĐ.


Anh Võ Phạm Thiên Thảo

Thiết bị phòng, chống Covid-19 “3 trong 1”

Nhằm góp phần vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, anh Võ Phạm Thiên Thảo - Tổ trưởng Tổ CĐ số 9, giảng viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp đã nghiên cứu, thiết kế thiết bị phòng, chống Covid-19 “3 trong 1”. Thiết bị này tích hợp 3 chức năng: đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và phát khẩu trang tự động. Do hoạt động tự động, người sử dụng hoàn toàn không chạm vào thiết bị, tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Đáp ứng được các tiêu chí trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo thông điệp của Bộ Y tế. Đồng thời kết hợp giữa tự động hóa với hiển thị và kèm theo âm thanh hướng dẫn. Thiết bị sẽ hướng dẫn quy trình sử dụng bằng âm thanh, rất tiện dụng cho người lần đầu tiên sử dụng thiết bị “3 trong 1” này. Nếu người có thân nhiệt vượt giới hạn cho phép thì thiết bị sẽ phát ra âm thanh cảnh báo và mời đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Thiết bị có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển, lắp đặt bất cứ nơi nào khi có nhu cầu; chi phí làm thiết bị có giá thành thấp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Thiết bị “3 trong 1” của anh Võ Phạm Thiên Thảo dễ dàng triển khai thực hiện ở nhiều nơi như công sở, công ty, doanh nghiệp... Tùy nơi sử dựng, thiết bị sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp nhưng vẫn đảm bảo được tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuât. Thiết bị “3 trong 1” đầu tiên được triển khai sử dụng vào khoảng giữa tháng 8/2020. Trong quá trình sử dụng, để phù hợp với điều kiện cụ thể từng đơn vị, anh Thiên Thảo đã cải tiến, chỉnh sửa theo yêu cầu người sử dụng. Trước khi có ý tưởng làm thiết bị “3 trong 1” này, anh Thiên Thảo cùng đồng nghiệp cũng đã thiết kế, làm 2 máy ATM phát gạo tự động để phát gạo miễn phí cho bà con nghèo.

Trong quá trình công tác, anh Võ Phạm Thiên Thảo cũng có nhiều sáng kiến, giải pháp, mô hình mới mang lại hiệu quả như: thực hiện làm mô hình phục vụ công tác giảng dạy; mô hình ngôi nhà ứng dụng cảm biến. Nổi bật là anh tham gia và đạt giải Nhất tại hội thi Thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Đồng Tháp; giải Ba trong hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần V năm 2016.

LH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn