Gặp gỡ 2 phụ nữ làm kinh tế, vượt khó nuôi dạy con học giỏi
Cập nhật ngày: 21/10/2013 05:18:37
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân và chị Lê Thị Hồng Oanh cùng ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung được xem là những tấm gương phụ nữ sáng tạo làm kinh tế giỏi và vượt khó nuôi dạy con học giỏi.
Sau khi lập gia đình, sức khỏe của chồng chị Nguyễn Thị Thanh Vân ngày càng giảm do bị bệnh bẩm sinh. Lúc này, chị Vân phải đóng vai trò trụ cột chính trong gia đình. Chị phải chăm sóc chồng và người cô chồng già yếu cũng như chăm lo vườn tượt để kiếm nguồn thu nhập cho gia đình.
Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm khi chị sinh đứa con đầu lòng. Đôi lúc chị muốn buông xuôi tất cả, nhưng với ánh mắt thơ dại của đứa con và tính nết hiền lành biết yêu thương vợ của chồng, những bệnh tật tuổi già đeo mang của cô đã thôi thúc chị Vân quyết tâm vượt qua khó khăn.
Do sức khỏe của chồng chị không tốt nên chị khuyên anh làm những công việc nhẹ, phần còn lại để chị đảm đương. Không ngại khổ, ngại khó, ngày ngày vợ chồng chị Vân ra sức cải tạo mảnh đất hoang của cha mẹ để lại, đào bới từng buội chuối, gốc tre để mở rộng diện tích trồng trọt. Nhưng buổi đầu trồng trọt không thành, sau đó gia đình chuyển sang chăn nuôi và tất cả đều thất bại do thiếu hiểu biết về kỹ thuật .
Được sự động viên, khích lệ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Long Hậu, sự chia sẻ kinh nghiệm của người chồng, chị Vân đã mạnh dạn vượt qua rào cản và định kiến giới để tham gia sinh hoạt Hội, nhất là tích cực tham gia học tập các lớp tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt. Năm 2005, chị Vân tham gia sinh hoạt tại Chi hội làm vườn số 1 (xã Long Hậu) để học tập kinh nghiệm trồng cây có múi (cây quýt hồng).
Qua các lớp tập huấn, sinh hoạt của Chi hội làm vườn đã giúp chị tích lũy được nhiều kiến thức về vệ sinh vườn, chăm sóc cắt cành tạo tán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân hữu cơ vi sinh và từng bước ứng dụng có hiệu quả đối với việc trồng cây có múi trên chính mảnh đất của gia đình.
Để việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây trồng đạt hiệu quả, chị Vân thử nghiệm bằng nhiều hình thức khác nhau trên một số cây quýt hồng của gia đình. Từ đó, vườn quýt hồng của gia đình chị Vân ngày càng tăng về năng suất, đặc biệt năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Đến năm 2012, với diện tích 1ha quýt hồng của gia đình chị Vân đạt năng suất 51 tấn, bán với giá 26.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình có lãi gần 740 triệu đồng.
Năm 1982, chị Lê Thị Hồng Oanh lập gia đình về sống bên nhà chồng, cuộc sống gia đình chị phụ thuộc vào 2 công đất ruộng và nghề thợ mộc. Khi 5 đứa con của chị lần lượt ra đời, đến tuổi đi học, cũng là lúc gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Chị Oanh cho biết: Lúc đó chồng tôi sức khỏe yếu, không còn làm nghề mộc được, các con càng học lên cao, các khoản chi phí càng tăng, tôi phải vừa chăm sóc các con, vừa kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình.
Một mình chị làm 2 công ruộng, thời gian rảnh chị làm thêm nghề đan bội, lọp... để có thu nhập trang trải cuộc sống. Chị Oanh đã vận động chị em trong xóm thành lập Tổ liên kết sản xuất thu mua bội, lọp, vừa giúp gia đình có thêm thu nhập và giúp một số chị em ở địa phương có việc làm. Chị Oanh chia sẻ: “Thương con, tôi quyết tâm vượt khó vươn lên, khổ bao nhiêu cũng ráng chịu để cố nuôi 5 đứa con ăn học”.
Chị tin rằng, có trình độ học vấn, con chị mới có thể trở thành những người hữu ích và tương lai mới khỏi gian truân, lận đận. Không phụ lòng chị, 5 người con đều học lên đại học, 3 người con lớn đã có việc làm ổn định, 2 người con nhỏ đang học tại Trường Đại học Cần Thơ.
Giờ đây, cuộc sống gia đình chị đã bớt phần khó khăn, nhưng chị vẫn hăng say lao động. Gia đình chị Oanh năm nào cũng được công nhận là Gia đình văn hóa tiêu biểu. Chị được chọn là Phụ nữ điển hình vượt khó nuôi dạy con học giỏi của tỉnh năm 2013.
D.C-K.N