Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc

Cập nhật ngày: 13/06/2014 05:32:42

Theo Luật xử lý vi phạm hành chính, từ ngày 1/1/2014, việc áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (CNBB) phải do Tòa án nhân dân (TAND) quyết định, nhưng từ đầu năm đến nay, việc áp dụng biện pháp này chưa được thực hiện do chưa có văn bản dưới luật.

Đồng thời, Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở CNBB có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2014, nhưng đến nay các bộ, ngành Trung ương chưa có thông tư hướng dẫn nên nhiều ngành còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.


Học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh

Đầu năm 2014 đến nay, ngành chức năng TP.Cao Lãnh phát hiện 4 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy. Các đối tượng này thuộc diện phải đưa đi CNBB, nhưng do chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể nên giữa TAND TP.Cao Lãnh với các ngành chức năng thành phố chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa đối tượng vào cơ sở CNBB. Do đó cả 4 đối tượng vẫn chưa được đưa đi cai nghiện. Được biết, không chỉ riêng TP.Cao Lãnh mà các huyện, thị, thành khác trong tỉnh cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện biện pháp đưa đối tượng vào cơ sở CNBB.

Ngoài ra, hiện nay, về thẩm quyền xác định người nghiện ma túy thuộc về trách nhiệm của ngành y tế, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở y tế trong tỉnh chưa thực hiện việc xác định người nghiện ma túy theo thẩm quyền được quy định tại Điều 10, Nghị định số 221,... đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở để CNBB. Ông Dương Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Trung tâm không tiếp nhận trường hợp cai nghiện ma túy mới, nguyên nhân do các ngành, địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở CNBB theo Nghị định số 221.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, vừa qua, tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thái đã chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở CNBB với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện. Sau khi nghe các ngành liên quan trình bày những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 221, bà Trần Thị Thái đã kết luận, chỉ đạo: về xử lý người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) nghiện ma túy thì không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CNBB theo Nghị định số 221, tiếp tục vận dụng, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực đối với người chưa thành niên nghiện ma túy; về hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở CNBB: đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 9, Nghị định số 221.

Riêng đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, Sở LĐ,TB&XH tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn trong quá trình giao cho tổ chức xã hội quản lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở CNBB; về việc xác định người nghiện ma túy, Sở Y tế phải khẩn trương thực hiện việc xác định người nghiện ma túy theo thẩm quyền quy định tại Điều 10, Nghị định số 221 và triển khai thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp với Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh xét nghiệm, kết luận tình trạng nhiễm HIV/AIDS đối với học viên đang cai nghiện tại Trung tâm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thái cũng đề nghị TAND tỉnh chỉ đạo TAND cấp huyện quan tâm, phối hợp tốt với các ngành chức năng cấp huyện thực hiện tốt biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở CNBB.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn