Giữ gìn, phát huy tình làng nghĩa xóm
Cập nhật ngày: 13/05/2015 13:44:03
Đoàn kết, tương thân, tương ái “Tối lửa tắt đèn có nhau” là truyền thống tốt đẹp được kết tinh trong quá trình lao động, sinh hoạt của ông cha ta từ những ngày đầu khai hoang, mở đất. Tuy nghèo về vật chất, nhưng cái tình, cái nghĩa lại đầy ắp trong từng con người, làng xóm Việt Nam. Ngày nay, tình làng nghĩa xóm cao đẹp đó vẫn được người dân Đồng Tháp giữ gìn và thể hiện.
Người dân quê giúp nhau gói bánh những khi gia đình có đám tiệc
Nhớ năm trước, tôi theo nhỏ bạn về xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười ăn giỗ. Dù gia đình bạn tôi không có bà con họ hàng gì ở đây nhiều (vì là dân xứ khác đến sống và lập nghiệp) nhưng đám giỗ cũng thật ấm cúng bên những người hàng xóm, láng giềng chất phác, chân tình. Bà con trong xóm người thì lo chuyện bếp núc, người thì chuẩn bị lá chuối, đãi đậu, gói bánh,... và ai cũng nhiệt tình, vui vẻ.
Cô bạn tôi nói, ở quê là vậy đó, hễ nhà nào trong xóm có việc, chẳng cần đánh tiếng gọi nhờ, ai cũng hiểu và tự giác đến giúp một tay dù chẳng bà con hay ruột rà gì. Khi đám cưới thì đàn ông, thanh niên chia nhau dựng rạp, bắt mâm bàn, phụ nữ thì lo chuyện bếp núc,... Họ giúp nhau bằng cái nghĩa, cái tình chứ không hề toan tính. Đến khi nhập tiệc, bà con còn thể hiện cái tình, cái nghĩa bằng những lời chúc tốt đẹp thông qua những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Còn khi có đám tang thì mọi người trong xóm cũng có mặt để san sẻ cùng gia đình phần nào những mất mát thương tâm, đôn đáo lo trong, lo ngoài cùng gia đình trong lúc tang gia bối rối.
Hay trong một lần đi công tác ở xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh, tôi bắt gặp hình ảnh thật đẹp và đáng trân trọng của bà con nơi đây. Mới sáng tinh mơ, chạy xe dọc theo con đường đất nông thôn ở ấp Tịnh Châu, xã Tịnh Thới đã thấy trong nhà, ngoài sân một người dân trong ấp rộn rã tiếng nói cười, mấy ông, mấy chú người thì trầm mình dưới sông vớt gỗ, người thì cưa, bào, đục các cây gỗ,... mấy thím, mấy dì thì nhóm bếp chuẩn bị cơm canh, trà nước,... Tôi được mọi người cho biết đang chuẩn bị dựng nhà cho một gia đình trong xóm, đã dột nát nhưng không có tiền cất lại. Cuối ngày, tôi quay lại căn nhà đã được dựng lên, mọi người cùng nhau quây quần bên mâm cơm đạm bạc và nhâm nhi chén rượu nồng trong sự vui mừng và biết ơn của gia chủ. Một nếp sinh hoạt thấm đượm nghĩa tình đã làm tôi hiểu hơn về cách sống đẹp.
Về các vùng quê Đồng Tháp, tình làng, nghĩa xóm còn được thể hiện qua việc cho và nhận quà. Những món quà quê chỉ đơn giản là con gà, con cá, ít hoa quả vừa chín hay hễ có gì ngon, bà con cũng bảo con cháu mang biếu hàng xóm. Dù nhà nào cũng có, nhưng là tấm lòng cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi.
Hiện nay, do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, tình làng nghĩa xóm ở các vùng quê cũng bị mai một ít nhiều: anh em, hàng xóm phải dắt nhau ra tòa vì tranh chấp đất đai; nhiều gia đình nghĩa tình sâu nặng mấy mươi năm nhưng lại mất đi chỉ vì chuyện xích mích nhỏ của thế hệ trẻ;... Đây là một chuyện đáng buồn, đáng trăn trở...
BÍCH LIỄU