Giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống

Cập nhật ngày: 18/04/2022 15:11:19

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220418031210dt2-4.mp3

 

Chăm lo cho người khuyết tật (NKT), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và UBND huyện, thành phố hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện các chính sách về bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, văn hóa,... đối với NKT. Qua đó, góp phần giúp NKT giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.


Vợ chồng ông Huỳnh Văn Khoa ngụ ấp Mỹ Tây 1, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười được địa phương quan tâm, hỗ trợ, ổn định cuộc sống

Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và UBND huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền các chính sách đến NKT; hướng dẫn các địa phương thực hiện xác định mức độ khuyết tật, lập hồ sơ, xét duyệt, thẩm định về trợ giúp xã hội cho NKT theo quy định. Toàn tỉnh hiện có 42.337 NKT, trong đó có 30.672 NKT đang hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng. Thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NKT, các Trạm y tế xã, phường, thị trấn đã tuyên truyền, hướng dẫn cho NKT các kiến thức chăm sóc sức khỏe; phân công cán bộ y tế phụ trách hướng dẫn, hỗ trợ cho NKT phục hồi chức năng tại cộng đồng; tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em khuyết tật, NKT và hướng dẫn các trường hợp nặng đến bệnh viện tuyến trên. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.948 NKT được hướng dẫn phục hồi chức năng tại cộng đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 17.344 NKT; hỗ trợ 2.247 dụng cụ như: nạn, gậy, khung tập đi, máy trợ thính cho NKT.

Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương thực hiện cơ chế miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh khuyết tật, học sinh tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật, hỗ trợ tiền ăn 750 ngàn đồng/người/tháng. Các địa phương cũng tích cực tạo điều kiện cho NKT được tham gia các lớp dạy nghề nông thôn; hỗ trợ NKT chi phí đào tạo nghề, tiền ăn, tàu xe đi lại trong quá trình học nghề theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 107 NKT được học các lớp nghề đan ghế nhựa, đan lục bình, sửa kiểng bonsai,... Đồng thời hỗ trợ cho NKT và thân nhân của NKT được vay vốn chăn nuôi, trồng trọt, bán vé số, góp phần giúp nhiều gia đình NKT có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình.

Như trường hợp của ông Huỳnh Văn Khoa (SN 1963) ngụ ấp Mỹ Tây 1, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười đã nỗ lực vượt qua khó khăn để có cuộc sống ổn định. Cơn sốt bại liệt lúc 5 tuổi làm ông Khoa bị khuyết tật cả 2 tay, 2 chân nên ông không đi đứng được. Năm 1992, ông Khoa lập gia đình với bà Phạm Thị Tuyết Mai (SN 1974) - một người lành lặn. Gia đình ông Khoa không đất sản xuất, cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào công việc làm thuê của bà Mai - vợ ông. Mặc dù bị khuyết tật nhưng ông Khoa luôn lạc quan và giàu nghị lực trong cuộc sống. Hằng ngày, ông Khoa cố gắng vượt qua nỗi khó khăn do tật nguyền để làm nghề sửa xe đạp kiếm thêm thu nhập phụ vợ lo cho gia đình và nuôi 2 con gái học tập.

Nhận thấy vợ chồng ông Khoa có ý chí vượt khó, địa phương đã hỗ trợ cho vợ ông vay vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất và học nghề đan lục bình. Với số vốn vay, bà Mai đã mua thêm đồ để ông Khoa sửa xe đạp, mua heo về nuôi và đan lục bình để kiếm thu nhập cho gia đình. Ông Khoa bộc bạch: “Được địa phương quan tâm, hỗ trợ, vợ chồng tôi có điều kiện làm ăn để cải thiện cuộc sống và nuôi 2 đứa con học thành tài. Tôi cảm thấy rất vui, ấm lòng trước sự quan tâm đó. Hiện nay, tôi và vợ sống bằng nghề sửa xe đạp và đan lục bình gia công, 2 đứa con tôi cũng có việc làm và phụ lo cho gia đình nên cuộc sống gia đình bây giờ đã ổn định, tôi mừng lắm”.

Ngoài các chính sách hỗ trợ về sức khỏe, giáo dục, nghề nghiệp, hiện nay, các địa phương cũng bố trí các điểm vui chơi, tổ chức sinh hoạt văn hóa tại Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng tạo điều kiện cho NKT và trẻ em khuyết tật được tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, góp phần mang đến niềm vui tinh thần và giúp NKT hòa nhập với cộng đồng. Tại Thư viện tỉnh cũng bố trí không gian với hơn 20 chỗ ngồi, trang bị 5 máy vi tính với phần mềm chuyên dụng cho người khiếm thị, hơn 700 sách chữ nổi, sách minh họa nổi và một số thiết bị khác phục vụ người khiếm thị.

Bên cạnh đó, hàng năm vào các dịp Tết, Ngày NKT Việt Nam (18/4), Ngày Quốc tế NKT (3/12), Hội Bảo trợ NKT, Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bệnh nhân nghèo tỉnh và các Chi hội trực thuộc Hội Bảo trợ NKT, Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bệnh nhân nghèo tỉnh còn vận động hỗ trợ quà, xe lăn, xe lắc cho NKT. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã trao tặng 313 xe lăn, 44 xe lắc, hơn 3.250 phần quà cho NKT trong tỉnh, giúp NKT có phương tiện đi lại và giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Để chăm lo tốt hơn cho NKT, Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với NKT, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ đời sống cho NKT. Đặc biệt là vào ngày 18/4/2022, Sở LĐ-TB&XH cũng tổ chức họp mặt hưởng ứng Ngày NKT Việt Nam (18/4) với sự tham gia của hơn 44 NKT tiêu biểu trong tỉnh. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong chăm lo cho NKT; tạo cơ hội cho NKT giao lưu, gặp gỡ truyền cảm hứng tích cực, tiếp thêm niềm tin, động lực để NKT trong tỉnh vươn lên trong cuộc sống.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn