Bà Tống Thanh Mai

Góp phần nối những bờ vui

Cập nhật ngày: 04/05/2015 13:34:42

Ở tuổi 66 nhưng bà Tống Thanh Mai ở khóm Tân Bình, phường An Hòa, TP.Sa Đéc vẫn nhiệt tình với công tác vận động kinh phí bắc cầu nông thôn, góp phần xóa cảnh “ngăn sông cách đò” ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Bà Tống Thanh Mai

Bà Tống Thanh Mai tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi với công tác học sinh vận. Sau đó, bà phụ trách quân y, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Trong quá trình tham gia cách mạng, bà bị địch bắt, giam cầm qua nhiều nhà tù ở Sài Gòn, Vĩnh Long... Ngay sau khi được trả tự do, bà quay về Sa Đéc tiếp tục nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị cho thương binh và tham gia tiếp quản Bệnh viện Sa Đéc vào năm 1975. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bà Tống Thanh Mai làm Phó Phòng Y tế TX.Sa Đéc. Sau đó, bà đảm nhiệm trọng trách Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Đéc; Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh. Đến năm 2005, bà nghỉ hưu.

Dù đã về hưu nhưng bà vẫn tham gia công tác xã hội ở địa phương. Năm 2007, trong một lần đi thăm gia đình chính sách ở xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh), bà thấy một số cháu học sinh phải chờ đợi quá giang xuồng hoặc nếu nước cạn thì lội qua sông để đi học. Từ đó, bà có ý định bắc cây cầu để học sinh và người dân đi lại dễ dàng, an toàn. Nghĩ là làm, bà Thanh Mai vận động bạn bè, người thân, gia đình đóng góp kinh phí để cùng với Nhà nước bắc 2 cầu bê tông trên địa bàn xã Bình Thạnh, trị giá hơn 250 triệu đồng.

Những năm sau đó, bà tiếp tục vận động tiền, ngày công lao động, phối hợp bắc cầu ở nhiều địa phương trong tỉnh như huyện Lai Vung, Châu Thành, TP.Sa Đéc... Có lúc chưa có kinh phí, bà lại đứng ra mua thiếu vật liệu xây dựng để xây cầu. Chẳng hạn như khi bắc cầu Rạch Dông ở xã Tân Dương (huyện Lai Vung) mà chưa có tiền, bà mua thiếu vật liệu xây dựng với số tiền 120 triệu đồng. Sau đó, mạnh thường quân đóng góp rồi bà trả lại. Gần 8 năm qua, bà Tống Thanh Mai đã vận động xây dựng gần 20 cây cầu bê tông nông thôn, tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng.

Bà Tống Thanh Mai cho biết: “Khi cây cầu xây dựng xong, trong lễ khánh thành, mọi vấn đề liên quan đến tài chính, ngày công lao động, vật liệu xây dựng đều được công khai minh bạch. Nhờ đó, các mạnh thường quân rất tin tưởng và an tâm đóng góp vì họ biết đồng tiền hảo tâm của mình được sử dụng đúng mục đích”.

Ngoài việc xây dựng cầu nông thôn, bà Thanh Mai còn vận động các nhà hảo tâm tặng nhiều phần quà cho người nghèo, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học... “Lớn tuổi rồi, đi tới lui tham gia việc bắc cầu cũng mệt nhưng mỗi cây cầu mới được đưa vào sử dụng, thấy người dân phấn khởi, tôi cũng vui theo. Đó là động lực để tôi tiếp tục đi vận động xây cầu. Chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng thêm 2 cây cầu ở xã Hòa Thành (huyện Lai Vung) trong tháng 5/2015” - bà Tống Thanh Mai, bộc bạch.

Xuất phát từ cái tâm và sự nhiệt tình của mình, bà Tống Thanh Mai đã tích cực với công tác vận động kinh phí để xây cầu nông thôn; góp phần tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân, giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn