Hiệu quả bước đầu Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững ở Hòa Long

Cập nhật ngày: 26/02/2014 05:33:31

Tháng 4/2013, xã Hòa Long được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chọn làm xã điểm thực hiện Dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững của huyện Lai Vung giai đoạn 2013 - 2015. Đến nay, sau hơn 10 tháng triển khai thực hiện hầu hết các hộ tham gia dự án đều sử dụng đồng vốn hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình, tạo thu nhập ổn định.


Mô hình đan đát của gia đình anh Thái Công Minh ở ấp Long Bình

Từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và vốn đối ứng của người dân, dự án đã hỗ trợ vốn và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, quản lý tài chính cho 23 hộ nghèo chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn và tư liệu sản xuất ở địa phương (19 hộ chăn nuôi bò, mỗi hộ 20 triệu đồng; 2 hộ mua bán nhỏ, 2 hộ đan đát, mỗi hộ 10 triệu đồng) với tổng kinh phí 530 triệu đồng để các hộ mua con giống, nguyên vật liệu, dụng cụ, thiết bị thực hiện mô hình.

Chị Nguyễn Thị Nguyên - cán bộ LĐTB&XH xã, Phó Ban quản lý dự án cho biết: “Thời gian đầu triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn do có hộ xin rút khỏi dự án làm chậm trễ tiến độ giải ngân, một số hộ vay vốn chăn nuôi thiếu vốn đối ứng để mua con giống, thiếu kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh,... Tuy nhiên, dưới sự giám sát và hỗ trợ kịp thời của các thành viên Ban quản lý dự án, việc sản xuất, kinh doanh của các hộ dần đi vào ổn định, một số hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Tham gia dự án với tinh thần chí thú làm ăn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, cuối năm 2013, gia đình anh Nguyễn Văn Em ở ấp Long Hội đã được công nhận thoát nghèo. Được biết, trước đây gia đình anh Em thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, tất cả chi phí gia đình chỉ trông vào đồng lương làm bảo vệ của anh (3 triệu đồng/tháng), nhưng với số tiền 10 triệu đồng vay từ dự án, vợ anh Em mở sạp bán rau, cải, thịt,... ở khu chợ nhóm kinh Bà Nương, mỗi ngày thu nhập khoảng 80.000 - 100.000 đồng, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình anh dần ổn định. Anh Em phấn khởi chia sẻ: “Từ khi vợ tôi ra buôn bán, kinh tế gia đình tôi khá lên rất nhiều, không còn thiếu hụt như trước nữa, giờ bình quân mỗi tháng cộng tiền lương của tôi và thu nhập từ việc buôn bán của vợ cũng trên 6 triệu đồng. Tôi nghĩ nếu không có gì trở ngại, trong năm nay gia đình tôi có thể hoàn vốn lại cho ngân hàng”.

Được nhận vốn vay từ dự án, chị Lê Thị Ngọc ở ấp Long Bình phấn khởi chia sẻ: “Trước giờ gia đình tôi sống bằng nghề làm thuê (phụ hồ) thu nhập bấp bênh, thiếu trước hụt sau nên tranh thủ thời gian nhàn rỗi đan lọp kiếm thêm thu nhập. Từ khi được hỗ trợ 10 triệu đồng, chồng tôi vẫn đi làm hồ còn tôi thì dùng số tiền vay mua nguyên vật liệu, dụng cụ về đan bội và làm lọp phát triển kinh tế gia đình, bình quân mỗi ngày tôi thu nhập được 50.000 - 60.000 đồng. Cuộc sống gia đình hiện nay tuy không dư dã nhưng đã ổn định hơn trước rất nhiều”.

Những hộ nuôi bò thuộc dự án được cán bộ thú y huyện, xã hướng dẫn tận tình. Hiện nay, bò của các gia đình đang trong giai đoạn lớn và phát triển rất tốt, dự kiến tháng 4 có thể xuất bán, trung bình mỗi con lời khoảng 6 - 8 triệu đồng.

Theo chị Nguyên: “Để dự án đạt chỉ tiêu kế hoạch đúng tiến độ (năm 2015 có 95% hộ nghèo tham gia dự án thoát nghèo bền vững). Thời gian tới, xã sẽ tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo đến từng hộ gia đình, tạo ra phong trào thi đua giữa các hộ tham gia dự án. Đặc biệt, các thành viên Ban quản lý dự án sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ vay vốn để nắm bắt những khó khăn, hạn chế, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các hộ sử dụng đồng vốn hiệu quả, đúng mục đích”. Tin rằng với ý chí phấn đấu vượt khó của các hộ tham gia dự án và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hòa Long sẽ sớm hoàn thành các tiêu chí giảm nghèo, việc làm và dạy nghề đối với xã nông thôn mới.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn