Hiệu quả công tác dân số ở huyện Châu Thành
Cập nhật ngày: 17/04/2018 07:12:06
ĐTO - Xác định công tác dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, ngành y tế huyện Châu Thành đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông thực hiện các chính sách dân số. Nhờ làm tốt công tác truyền thông, ý thức của người dân về các vấn đề sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình chuyển biến tích cực. Nhiều năm liền, huyện nằm trong tóp đầu các địa phương làm tốt công tác dân số của tỉnh.
Buổi tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông cho đội ngũ làm công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình của huyện
Hàng năm, Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền rộng rãi trong chị em phụ nữ về việc KHHGĐ. Thông qua các buổi họp của các hội đoàn thể địa phương, Trung tâm cử cộng tác viên đến phổ biến cho các chị về các biện pháp tránh thai hiện đại, mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 - 2 con để đảm bảo cuộc sống tốt và nuôi dạy con tốt,... Hàng quý, Trung tâm tổ chức các cuộc truyền thông tại các xã, thị trấn trong toàn huyện, với sự tham dự của hàng trăm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tại các trạm y tế xã, thị trấn, hàng tháng đều tổ chức truyền thông nhóm, giới thiệu cho các chị những biện pháp tránh thai hiện đại để các chị biết và lựa chọn cho phù hợp với bản thân.
Các hoạt động truyền thông Dân số (DS) KHHGĐ trên địa bàn huyện luôn có sự đổi mới. Trước đây, việc truyền thông chủ yếu nói chuyện nên dễ gây sự nhàm chán cho chị em. Hiện, Trung tâm đã trang bị phương tiện máy chiếu, phát tờ rơi giúp cho buổi truyền thông được sinh động hơn, thu hút chị em tham gia. Tại mỗi buổi truyền thông, các chị được tiếp cận nhiều thông tin về SKSS, những triệu chứng, dấu hiệu của các bệnh phụ khoa mà phụ nữ thường mắc như: u nang buồng trứng, u xơ, ung thư cổ tử cung... Qua đó, khuyến cáo các chị nên đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện bệnh sớm nếu có. Chị Võ Ngọc Yến (ngụ thị trấn Cái Tàu Hạ) chia sẻ: “Trước đây, tôi không quan tâm và rất ngại đi khám các vấn đề về phụ khoa. Qua tham gia các buổi truyền thông, tôi đã ý thức được tầm quan trọng của việc khám phụ khoa đối với sức khỏe của người phụ nữ. Qua đây, tôi cũng biết cách phòng tránh các bệnh phụ khoa, thực hiện tốt việc KHHGĐ”.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng dân số, Trung tâm Y tế huyện đã duy trì, đẩy mạnh thực hiện các mô hình: tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân cho các bạn trẻ chuẩn bị kết hôn, mô hình tư vấn khám sức khỏe cho các cặp vợ chồng sau kết hôn, mô hình nâng cao trách nhiệm, vai trò của nam giới trong việc thực hiện KHHGĐ, mô hình góc truyền thông tại các trạm y tế. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Cụ thể, năm 2017, toàn huyện có 783 mẹ bầu được khám sàng lọc trước sinh (đạt 133,5% kế hoạch), 172 trẻ sinh ra được khám sàng lọc sơ sinh (đạt 15,6% kế hoạch), tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân cho 341 trường hợp.
Ông Nguyễn Văn Chép - Trưởng Khoa DS-KHHGĐ huyện chia sẻ: “Trong công tác DS-KHHGĐ, truyền thông là khâu quan trọng, góp phần lớn vào thành công của công tác. Vì vậy, hàng năm Trung tâm đều lên kế hoạch truyền thông rõ ràng, cụ thể từ nội dung, hình thức, đối tượng,... đặc biệt là thường xuyên hướng dẫn, tập huấn kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác DS-KHHGĐ. Năm 2017, huyện đã tổ chức 32 buổi truyền thông nhóm nói chuyện đề DS-KHHGĐ, 2 buổi truyền thông về chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên cho trên 1.500 lượt người tham dự; phối hợp với Đài truyền thanh huyện viết và phát 24 tin bài tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ. So với trước, người dân đã quan tâm hơn đến việc sinh đẻ có kế hoạch để nuôi dưỡng và chăm sóc con cái. Việc sinh ít con và không sinh thêm con thứ ba đã dần ăn sâu vào tư tưởng của đại đa số người dân trên địa bàn huyện. Qua thống kê, trong năm 2017, toàn huyện chỉ có 67 trường hợp trẻ em được sinh ra là con thứ ba trở lên, chiếm 4% số trẻ được sinh ra và giảm 0,03% so với năm 2016.
BÍCH LIỄU