Hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn ma túy
Cập nhật ngày: 05/03/2021 09:44:14
ĐTO - Tập trung công tác phòng, chống tệ nạn ma túy (MT), UBND huyện Thanh Bình, Công an huyện và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa các loại đối tượng. Duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống tệ nạn, phòng, chống MT, tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm giúp người từng nghiện MT tái hòa nhập cộng đồng.
Học sinh Trường THCS Thanh Bình tham dự buổi sinh hoạt tuyên truyền giáo dục pháp luật
Xác định công tác phòng, chống MT là công việc quan trọng trong công tác phòng, ngừa các loại tội phạm, Công an huyện phối hợp cùng với các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng có nguy cơ. Qua khảo sát, huyện Thanh Bình có khoảng 221 người có liên quan đến MT, trong đó đối tượng có hồ sơ quản lý là 164 người, các đối tượng còn lại được lập hồ sơ và một số đối tượng nghiện MT dưới 18 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính. Công tác quản lý đối tượng được lực lượng Công an tăng cường thực hiện, phối hợp thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, kịp thời răn đe, nhắc nhở và xử lý các trường hợp phòng, ngừa tái phạm. Giữ vai trò nòng cốt, Công an huyện Thanh Bình, Phòng LĐ-TB&XH huyện cùng các ngành tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật tại các buổi sinh hoạt chi, tổ, hội ở các xã, thị trấn.
Đồng thời, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hơn 90 cuộc, hơn 4.500 lượt người tham dự, treo các pa-nô, băng-rôn tuyên truyền về phòng, chống tội phạm và thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Đối với công nhân, học sinh, công chức, viên chức, người lao động, Phòng LĐ-TB&XH tổ chức tuyên truyền hơn 13 điểm, với hơn 500 lượt người tham dự. Nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống MT, tác hại của MT, huy động người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia tố giác, bài trừ tệ nạn xã hội, tệ nạn MT. Mỗi năm, UBND huyện cùng các ngành, tổ chức lễ phát động phòng, chống tệ nạn MT; tổ chức đối thoại trên sóng truyền thanh định kỳ và thường xuyên đến các xã, thị trấn. Phòng Tư pháp và Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các xã, thị trấn tập huấn cho tuyên truyền viên cấp xã, đoàn viên, hội viên, hòa giải viên kỹ năng tuyên truyền về tác hại của MT...
Phòng LĐ-TB&XH huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cùng với Công an huyện Thanh Bình xây dựng các mô hình, tổ cảm hóa giáo dục thanh niên sử dụng MT, nghi vấn sử dụng MT và tệ nạn xã hội tại xã Tân Phú. Câu lạc bộ (CLB) tuyên truyền tác hại của MT trong trường học (Trường THPT Thanh Bình 1); mô hình Cà phê Pháp luật; CLB Vì ngày mai. Đồng thời thành lập CLB Tuyên truyền pháp luật của thị trấn Thanh Bình... Bên cạnh đó, UBND huyện Thanh Bình đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc củng cố, nhân rộng mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện MT tại cộng đồng”, hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập các Tổ công tác cai nghiện MT tại cộng đồng từ xã đến khóm, ấp với các quy chế hoạt động chặt chẽ. Sau thời gian hoạt động, các Tổ công tác cai nghiện MT tại cộng đồng hoạt động hiệu quả. UBND các xã, thị trấn trong huyện tăng cường công tác quản lý phòng, chống tệ nạn MT với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương.
Quyết tâm quản lý địa bàn, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, MT, UBND huyện Thanh Bình, các đơn vị trực thuộc và lực lượng Công an huyện đề ra các giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng chất lượng nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc điểm địa phương, đối tượng và gia đình đối tượng. Các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên tiếp cận, vận động tuyên truyền đối tượng có nguy cơ nghiện MT. Tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đối tượng trong độ tuổi lao động. Chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, thông tin tình hình tệ nạn xã hội, MT đến với hội viên, người dân. Ngoài ra, tiếp tục duy trì công tác tư vấn tuyên truyền phòng, chống tệ nạn, MT đối với học sinh, học viên trong trường học.
Công an huyện, Phòng GD&ĐT huyện củng cố, nhân rộng các mô hình CLB phòng, chống tội phạm hiệu quả trong nhà trường; tổ chức sinh hoạt tập trung, tuyên truyền lồng ghép vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, tiểu phẩm, sân khấu hóa. Đồng thời biểu dương khen thưởng kịp thời những địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, cảm hóa giáo dục về tác hại của MT, lập hồ sơ quản lý và áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc theo quy định. Phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào toàn dân phát hiện người nghiện MT, vận động người nghiện và gia đình người nghiện tự khai báo và đăng ký cai nghiện tự nguyện. Thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, MT; kiểm soát chặt việc quản lý, sử dụng tiền chất MT, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần theo quy định của pháp luật...
C.P.