Hiệu quả từ các lớp dạy nghề nông thôn
Cập nhật ngày: 02/10/2013 05:38:57
Từ đầu năm 2013 đến nay, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nguồn kinh phí từ Trung ương, Hội Liên hiệp phụ nữ (HLHPN) tỉnh đã mở 6 lớp dạy nghề nông thôn theo nhu cầu, đạt 80% kế hoạch năm. Trong đó có 4 nghề được nhận kinh phí hỗ trợ của Sở LĐ-TB&XH.
Nghề hướng dẫn nấu ăn - Một trong những nghề được phụ nữ
nông thôn ưa chuộng
Cụ thể, lớp nghề bảo mẫu tại huyện Tam Nông có 30 học viên. Sau khi học, các chị được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và có việc làm ổn định tại các điểm trường giữ trẻ bán trú trong huyện và các điểm dịch vụ giữ trẻ tại hộ gia đình, thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng; 2 lớp nữ công gia chánh với 85 học viên (1 lớp ở Thanh Bình và 1 lớp ở huyện Cao Lãnh), sau khóa học, các học viên tham gia vào tổ phụ nữ nấu đám tiệc, mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng; lớp kỹ thuật chăm sóc móng và tóc có 15 học viên tham gia, học tại huyện Thanh Bình.
Ngoài các lớp trên, từ nguồn vốn Trung ương Hội hỗ trợ, Hội LHPN tỉnh và Trường nghề Lê Thị Riêng phối hợp mở lớp dịch vụ chăm sóc gia đình tại huyện Thanh Bình dành cho 30 học viên là phụ nữ nghèo. Sau khóa học, Hội LHPN thị trấn Thanh Bình đã thành lập được 1 tổ dịch vụ gia đình ở thị trấn gồm 16 thành viên.
Đến nay, tổ dịch vụ gia đình vẫn duy trì sinh hoạt định kỳ hằng tháng, trong đó có 9 chị có việc làm thường xuyên có thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng (4 chị giúp việc nhà, 5 chị nhận dọn dẹp nhà cửa thường xuyên theo giờ cho 12 gia đình ở địa phương), còn 7 chị trong tổ có việc làm không thường xuyên (đi nấu đám tiệc, dọn dẹp vệ sinh cho các cơ quan với mức thu nhập từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, các học viên khác không tham gia vào tổ dịch vụ nhưng có việc làm thường xuyên hằng tháng là phục vụ nấu ăn và giữ trẻ trong các trường mầm non với mức thu nhập 1,8 triệu đồng/tháng.
Những tháng cuối năm 2013, Hội LHPN tỉnh tiếp tục mở 2 lớp dạy nghề nữ công gia chánh, kỹ thuật làm móng và tóc (kinh phí do Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ).
Đánh giá hoạt động đào tạo nghề trong thời gian qua, chị Mai Mỹ Hạnh - Trưởng Ban Kinh tế Hội LHPN tỉnh cho biết: "Các nghề được mở từ đầu năm đến nay đa số là những nghề mới, được mở theo nhu cầu của chị em, giảng viên hướng dẫn được thỉnh giảng là những người có tay nghề giỏi. Sau các khóa học nghề, nhiều chị em tham gia làm nghề theo nhóm, mô hình hoặc tự làm nghề riêng theo điều kiện của mình. Điều này cho thấy hiệu quả tích cực từ công tác dạy nghề theo nguyện vọng của người học. Đáng quý hơn là sau học nghề, nhiều chị em trở thành tổ viên các tổ, hội phụ nữ tại địa phương, cùng tham gia sinh hoạt với các hội viên khác...".
C.Phương