Hiệu quả từ các nguồn vốn đảm bảo an sinh xã hội và phòng cháy rừng
Cập nhật ngày: 10/03/2014 04:40:02
Thông qua Trường Đại học Cần Thơ các dự án tín dụng quốc tế được triển khai tại Tam Nông đã hỗ trợ phụ nữ vùng đệm có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, đồng thời nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Nuôi ong mật ở Tân Công Sính
Thông qua nguồn vốn giải ngân từ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tam Nông quản lý, chị Nguyễn Thị Dẽo - ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính được vay 15 triệu đồng để đầu tư nuôi 50 thùng ong mật trị giá 25 triệu đồng tại Khu A Vườn Quốc gia Tràm Chim. Qua 1 năm nuôi ong lấy mật đạt hiệu quả, chị quyết định đầu tư thêm, đến nay được 200 thùng ong mật. Tương tự, chị Võ Thị Lệ Hoa - ấp C, xã Phú Thọ vay vốn để mua nguyên liệu làm khô cá lóc. Mặc dù chỉ có 2 triệu đồng, nhưng giúp cho chị ổn định được công việc, không phải vào Vườn trái phép như trước kia. Chị cho biết: “Nhờ Hội LHPN cho vay, tôi có vốn mua cá về làm khô bán, cải thiện thu nhập”.
Các dự án tín dụng quốc tế triển khai tại Tam Nông có 6 nguồn gồm: Đại sứ quán Anh quốc, Đại sứ quán Đan Mạch, Offarm, tổ chức VHI và VN Help với tổng số tiền giải ngân là 1 tỷ 650 triệu đồng cho mỗi chu kỳ 12 tháng. Lãi suất mỗi tháng đều thấp hơn so với lãi suất ngân hàng. Mỗi chu kỳ có 560 chị em ở 5 xã: Phú Thọ, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B và thị trấn Tràm Chim được vay. Mỗi chị được giải ngân 2 - 15 triệu đồng để có thêm nguồn vốn đầu tư làm khô cá lóc, nuôi ong lấy mật, nuôi heo, nuôi bò, trồng sen, trồng bạch đàn, buôn bán nhỏ... Từ nguồn vốn này mà trong năm 2013 có 42 chị em thoát nghèo.
Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Nông cho biết, Hội rất quan tâm quản lý vốn vay, thường xuyên nhắc nhở chị em sử dụng vốn đúng mục đích, hướng dẫn cho chị em các mô hình làm ăn có hiệu quả, sớm thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Bên cạnh đó, Hội cùng các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền ý thức bảo vệ Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Khu vực vùng đệm là nơi người dân sinh sống tiếp giáp với diện tích rừng của Vườn Quốc gia Tràm Chim. Trước đây, người dân thường vào rừng trái phép để lấy củi, bắt ong, gây nên cháy rừng. Từ khi có các dự án tín dụng quốc tế, nhiều hộ được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, từ đó các trường hợp vào rừng giảm đáng kể, nếu như năm 2011 có hàng chục vụ, thì năm 2013 chỉ còn 2 vụ vào vườn trái phép. Số vụ cháy rừng cũng giảm từng năm, năm 2013 chỉ xảy ra 2 vụ cháy nhỏ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh Hải - Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế - Vườn Quốc gia Tràm Chim huyện Tam Nông, nhận xét: “Trước kia người dân xâm nhập vào vườn khá nhiều, nhưng hiện nay không còn phổ biến nhờ nguồn vốn các dự án phát huy tác dụng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp với 1 số chương trình như phát triển cộng đồng, phát triển du lịch sinh thái để làm sao cho người dân kết hợp với Vườn tổ chức một số mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương. Từ đó, cuộc sống người dân sẽ tốt hơn, bà con cùng với Vườn quảng bá hình ảnh Tràm Chim”.
Mặc dù tổng số vốn của các dự án chưa nhiều và mỗi chị được vay cho mỗi chu kỳ còn hạn chế, nhưng với cách tính toán phù hợp của từng chị và hộ gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phòng cháy, chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Hoàn Quân