Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tân Hồng:

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 02/08/2017 11:24:31

ĐTO - Năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tân Hồng thực hiện khá hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Hội như nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ; xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội... Đặc biệt, Hội LHPN huyện Tân Hồng quan tâm vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.


Tổ hợp tác may công nghiệp giúp nhiều hội viên phụ nữ có việc làm ổn định

Huyện biên giới Tân Hồng có số lượng hộ nghèo khá cao, trong đó hơn 1.260 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Các cấp Hội LHPN trong huyện đã tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn, phương thức sản xuất, dạy nghề, giới thiệu việc làm... cho hội viên.

Hội LHPN các cấp duy trì có hiệu quả các tổ phụ nữ tiết kiệm hùn vốn; tín dụng tiết kiệm; giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Toàn huyện có 140 tổ tiết kiệm hùn vốn do Hội LHPN quản lý với hơn 3.000 thành viên, huy động vốn được trên 1,9 tỷ đồng, giúp cho 1.080 chị vay. Hội LHPN huyện tạo điều kiện thuận lợi để hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, nhất là từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Qua đó, giúp nhiều hội viên phụ nữ có thêm vốn sản xuất, kinh doanh, mua sắm vật dụng gia đình.

Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức nhiều cuộc tư vấn về việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng cho những đối tượng trong độ tuổi. Các cấp Hội LHPN giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh cho 1.205 chị em; phối hợp với ngành liên quan mở 31 lớp dạy nghề nông thôn (đan ghế nhựa, trồng rau an toàn, chăn nuôi bò, may công nghiệp...) với gần 800 học viên.

Đồng chí Lâm Ngọc Trinh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Hồng cho biết: “Hàng năm, trước khi mở lớp dạy nghề nông thôn, Hội có tiến hành khảo sát, tìm hiểu nhu cầu việc làm của chị em. Hội phối hợp tổ chức đào tạo những nghề phù hợp với thực tế yêu cầu của xã hội và hội viên. Nhờ vậy, đa số chị em đều có việc làm sau khi học nghề”.

Chị Hồ Thị Huyền (SN 1984) ngụ ấp Anh Dũng, xã Tân Thành A là một trong những người được học nghề may công nghiệp do Hội LHPN xã phối hợp tổ chức. Chị Huyền tâm sự: “Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, việc làm không ổn định. Sau khi học nghề may, 3 năm nay, tôi vào làm việc tại Tổ Hợp tác may công nghiệp ấp Anh Dũng. Thu nhập trung bình khoảng 120 ngàn đồng/ngày. Con gái của tôi cũng vào may cho tổ hợp tác. Tôi thấy công việc nhẹ nhàng, ổn định mà thu nhập cũng khá. Hiện kinh tế gia đình tôi phát triển hơn và đã thoát nghèo”.

Tổ Hợp tác may công nghiệp ấp Anh Dũng có 17 thành viên. Các thành viên trong tổ tham gia góp vốn xoay vòng (200 ngàn đồng/người/tháng) để giúp nhau có thêm điều kiện chăn nuôi, sản xuất, trang trải cuộc sống.

Ngoài Tổ Hợp tác may công nghiệp ấp Anh Dũng, Hội LHPN còn có Tổ dịch vụ kết hoa, làm nút quần áo; Tổ Hợp tác đan ghế nhựa ấp An Lộc (xã An Phước); Tổ sản xuất rau an toàn xã Tân Hộ Cơ và nhiều tổ dịch vụ việc làm... góp phần tạo việc làm thường xuyên cho nhiều chị em.

Đặc biệt, Hội LHPN huyện Tân Hồng duy trì và phát huy mô hình “3 hộ khá, giàu giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo bền vững” và “Mỗi chi hội phụ nữ giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo bền vững”... Cuối năm 2016, huyện Tân Hồng có gần 40 hộ nghèo do hội viên phụ nữ làm chủ hộ được thoát nghèo.

Theo đồng chí Lâm Ngọc Trinh, gần đây, nhiều chị em có những mô hình khởi nghiệp như: làm bánh bò đường thốt nốt; nấu nước mắm cá linh; nuôi gà thương phẩm; gia công hàng may mặc; làm mắm và dưa mắm... Hội LHPN huyện sẽ hỗ trợ chị em khởi nghiệp về giấy phép kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn vốn. Năm 2017, Hội LHPN huyện tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu cuối năm nay có ít nhất 39 hộ do hội viên phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn