Hội Nông dân huyện Tân Hồng giúp nhau thoát nghèo

Cập nhật ngày: 24/09/2014 13:29:35

Hội Nông dân huyện Tân Hồng có 13.027 hội viên, thuộc 39 chi hội. Những năm qua, cùng với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Hội đã thực hiện tốt phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng nhiều mô hình giúp hội viên thoát nghèo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.


Mô hình trồng mè vụ xuân hè trên đất lúa giúp nhiều nông dân huyện Tân Hồng tăng thu nhập

Thực hiện chương trình ký kết liên tịch, năm 2013, Hội Nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện phối hợp cho hơn 4.000 hội viên vay tín chấp với số tiền trên 1,1 tỷ đồng để chăn nuôi, buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình.

Các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cây trồng, vật nuôi cũng được Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thường xuyên. Với sự hỗ trợ, tích cực của Hội, nhiều hội viên nông dân đã ra sức tìm tòi, học hỏi, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những mô hình giúp nhiều hội viên Hội Nông dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống là mô hình nuôi bò sinh sản. Hiện Hội đang quản lý 3 dự án nuôi bò sinh sản (triển khai từ năm 2011) ở 3 xã (Tân Thành A, Tân Công Chí, An Phước), có 38 hộ vay với tổng số tiền 600 triệu đồng. Trong đó, xã Tân Công Chí là địa phương triển khai dự án khá mạnh. Cụ thể, lúc đầu có 18 hộ vay (mỗi hộ vay từ 20 triệu đồng - 25 triệu đồng) với số tiền 400 triệu đồng, nuôi 44 con bò giống. Hiện tại, đàn bò dự án đã tăng lên 76 con, ước tổng giá trị trên 1,2 tỷ đồng. Gia đình cô Nguyễn Thị Ngọc ở ấp Thống Nhất 1, xã Tân Công Chí, thoát nghèo nhờ vay vốn nuôi bò cho biết: “Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn nuôi bò mà kinh tế gia đình tôi có bước phát triển. Hiện tại, gia đình tôi đang nuôi 8 con bò, 6 con cái và 2 con đực. Bò cái thì tôi để lại nuôi cho sinh sản, vài tháng nữa xuất bán 2 con đực, trừ chi phí mỗi con cũng lời 5 - 6 triệu đồng”.

Ngoài ra, 2 năm trở lại đây, mô hình trồng mè vụ xuân hè trên đất lúa cũng đã giúp nhiều hội viên nông dân ở xã Bình Phú và xã Tân Thành A tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và hỗ trợ giống cho bà con nông dân trồng mè xen canh giữa vụ đông xuân và hè thu trên đất lúa. Chú Trần Văn Beo, một trong những hội viên tiên phong áp dụng mô hình đạt hiệu quả ở xã Bình Phú chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng sợ không biết hiệu quả thế nào, nhưng rồi tôi nghĩ có gan mới làm giàu, vậy là tôi mạnh dạn thực hiện. Vụ đầu tôi sạ 30 công, trừ chi phí lời khoảng 36 triệu đồng. Vụ vừa rồi nhờ có kinh nghiệm, lợi nhuận tăng gấp đôi. Thấy tôi làm hiệu quả, nhiều bà con hội viên trong xã cũng nhờ tôi hướng dẫn kỹ thuật, nên vụ tới sẽ có nhiều bà con thực hiện. Tôi thấy đây là mô hình hiệu quả, có thể giúp bà con tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”.

Ông Huỳnh Hoàng Dủ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Những năm trước, bà con nông dân chưa mặn mà với kỹ thuật sản xuất mới. Nay đã đổi khác rồi, ai cũng hăng hái tham gia các lớp tập huấn để có cơ hội làm giàu. Năm 2013, toàn Hội có 398 hộ thoát nghèo, đạt 243% chỉ tiêu tỉnh giao. Tất cả cũng nhờ được tập huấn, nâng cao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và đây còn là kết quả của phong trào giúp nhau giảm nghèo của hội viên nông dân trong huyện. Hiện nay, nhiều hộ hội viên trong huyện đã vươn lên khá giàu, cuộc sống không ngừng được nâng cao”.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn