Huyện Tháp Mười: Cần đảm bảo vệ sinh môi trường ở các Cụm dân cư vùng sâu

Cập nhật ngày: 20/06/2016 10:03:39

ĐTO - Vấn đề vệ sinh môi trường ở nhiều Cụm dân cư (CDC) vùng sâu đang là thách thức cần giải quyết để đảm bảo sức khỏe và cuộc sống của người dân.


Rác thải tồn đọng ở cụm dân cư An Phong, ấp 6 Kinh Hội, xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười)

Nuôi hàng ngàn con gà, vịt trong CDC

UBND tỉnh quy định nghiêm cấm người dân nuôi gia súc, gia cầm trên các CDC để đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe người dân, tuy nhiên, nhiều người dân sống ở CDC Tân Công Sính thuộc ấp 1, xã Hưng Thạnh vẫn thả nuôi hàng trăm con gia cầm/hộ để làm kinh tế.

Trước đây, tình trạng nuôi gà, vịt ở CDC chỉ diễn ra quy mô nhỏ lẻ, vài hộ dân nuôi 5 - 10 con gà, vịt để làm thực phẩm cho gia đình. Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều hộ dân ở đây đã tận dụng các khoảng đất trống hoặc bờ kênh trước nhà để thả nuôi gà với số lượng lớn khiến người dân sống ở CDC vô cùng lo lắng.

Một người dân (đề nghị giấu tên) bức xúc nói: “Sống ở CDC mọi người phải chú ý bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Thế nhưng, có hộ lại nuôi đến 1.000 con gà, vịt gây mùi hôi, ô nhiễm môi trường. Trong CDC này lại có trường học, trẻ em đông, nếu xảy ra dịch cúm thì hậu quả rất lớn”.

CDC Tân Công Sính (xã Hưng Thạnh) có gần 200 hộ dân sinh sống. Quan sát thực tế ở CDC này rất dễ thấy nhiều khu nuôi gà, vịt với số lượng lớn đang được người dân bao lưới, che chắn cẩn thận. Có hộ còn bao lưới nuôi nhốt gà luôn trong thềm nhà cho tiện quản lý. Đáng nói hơn, cách điểm phụ của Trường Mẫu giáo và Trường Tiểu học Hưng Thạnh chưa đầy 50m là “trang trại” đang thả nuôi gà, vịt của bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng - Trưởng CDC.

Ông Lê Đông Du - Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười) cho biết: “Xã đã cử cán bộ chuyên môn đến CDC tuyên truyền và cho các hộ dân làm cam kết không nuôi gia súc, gia cầm trên CDC. Họ đã cam kết sau khi xuất bán xong đợt gà, vịt này sẽ không nuôi tiếp tục. Do đa số dân sống ở CDC là hộ nghèo nên việc xử lý rất khó khăn, chủ yếu tuyên truyền, vận động là chính”.

Theo ông Du, do hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng khó khăn nên phát sinh nuôi gà, vịt số lượng lớn, thấy bà Hồng nuôi nên nhiều hộ dân nuôi theo. Hiện nay, xã Hưng Thạnh đã nhắc nhở và cho bà Hồng làm cam kết không được tiếp tục nuôi sau khi bán số gà, vịt đang có. Hiện CDC Tân Công Sính đang có 10 hộ nuôi gia cầm với số lượng lớn từ 200 - 300 con/hộ, gây lo ngại cho các hộ dân khác trong CDC.

Rác thải ứ đọng không được thu gom

Cùng với nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, các CDC của huyện Tháp Mười đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải ứ đọng.

Nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân ở các CDC An Phong, Kinh Hội Kỳ Nhất (thuộc ấp 6, Kinh Hội, xã Trường Xuân) và CDC Tân Công Sính phải sống chung với mùi hôi của rác thải tồn đọng.

Theo phản ánh của người dân, trước đây rác thải được Công ty THHH Minh Lợi thu gom chở bằng đường thủy và 2 ngày tiến hành thu gom 1 lần, nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, công ty chỉ tiến hành thu gom được vài lần rồi ngưng cho đến nay.

Bà Nguyễn Thị Nga ở CDC An Phong, cho biết: “Mấy tháng nay, do không được thu gom nên rác thải ứ đọng hôi thối không chịu nổi. Do để trên bờ ô nhiễm, nhiều người đã quăng rác xuống sông”.

Được biết, giai đoạn năm 2016-2020 Công ty TNHH Minh Lợi ký hợp đồng với UBND huyện Tháp Mười thu gom và xử lý rác trên toàn huyện, với chi phí của huyện hỗ trợ cho công ty mỗi năm là hơn 1,4 tỷ đồng (đã trừ chi phí dịch vụ thu gom rác công ty nộp lại cho huyện). Từ năm 2016, cùng với phí thu gom rác của công ty với các hộ dân tăng từ 10.000 đồng lên 22.000 đồng, việc thay đổi phương thức thu gom từ đường thủy bằng ghe sang đường bộ đã gây nên tình trạng tồn đọng rác ở các CDC trên địa bàn huyện.

Bà Bùi Kim Liên - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tháp Mười, cho biết: “Do trước đây, người dân còn khó khăn nên đầu năm 2016, huyện mới tăng giá phí thu gom rác là 22.000 đồng/tháng/hộ dân theo quy định của UBND tỉnh. Do các CDC này, hệ thống giao thông không đảm bảo cho xe thu gom rác tải trọng lớn nên công ty thuê xe ba gác vào lấy rác xử lý. Tuy nhiên, việc này chỉ tiến hành được 1 - 2 lần rồi ngưng cho đến nay. Phòng cũng đã phối hợp với các ngành chức năng huyện để làm việc với công ty thì phía công ty cho biết sẽ tiến hành đưa xe ba gác thu gom rác ở các CDC này”.

Theo bà Liên, tuy có nhu cầu thu gom rác nhưng số hộ dân ở các CDC Tân Công Sính, An Phong và Kinh Hội Kỳ Nhất đăng ký và đóng phí thu gom rác chỉ đạt khoảng 30 - 50%/tổng số hộ đang sinh sống, vì thế việc thu gom rác ở các CDC này chưa đạt hiệu quả.

Ngành chức năng huyện Tháp Mười cần tăng cường tuyên truyền và nhanh chóng có giải pháp để giải quyết tình trạng nuôi gà, vịt với số lượng lớn và tình trạng rác thải tồn đọng gây ô nhiễm như vừa nêu. Thiết nghĩ, hơn ai hết người dân sống ở CDC cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở chính nơi mình đang sinh sống để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn