Hy vọng một mùa “lũ đẹp”

Cập nhật ngày: 03/09/2014 05:21:09

Nhiều năm qua, mỗi khi vào mùa lũ, trên các cánh đồng ở xã Tân Công Sính và xã Hòa Bình của huyện Tam Nông lại tấp nập người, ghe xuồng giăng câu, thả lưới, đặt lọp, hái bông điển điển, nhổ bông súng... Năm nay, lũ về sớm (từ đầu tháng 8) nhưng đến thời điểm này, không khí mưu sinh trên các cánh đồng nơi đây vẫn còn yên ắng, nhiều người dân lo ngại sẽ “thất mùa” do lượng cá giảm nhiều so với các năm trước.


Giăng lưới mưu sinh mùa lũ

5 giờ rưỡi sáng, tôi đi bộ dọc theo cánh đồng xã Tân Công Sính. Đây là thời điểm những người làm nghề “ăn cá” mùa lũ đi thu hoạch. Đi được một đoạn, thấy có chiếc xuồng chuẩn bị vượt đồng thăm lưới, thế là tôi xin tháp tùng. Tôi loạng choạng bước xuống xuồng và thỉnh thoảng la toáng lên mỗi khi xuồng bị sóng dập chập chờn. “Cô cứ bình tĩnh ngồi ngay giữa xuồng, mà nước hôm nay ít, không chết đuối đâu mà sợ” - chú Năn (chủ xuồng) trêu tôi. Trên cánh đồng nước mênh mông, xa xa lại ẩn hiện xuồng của bà con thăm lưới, lọp... Tiếng nước khua đánh tan không khí tĩnh lặng của buổi sáng. Định thần, tôi bắt đầu gợi chuyện và hỏi: Mùa lũ năm nay khá hả chú? Chú Năn chặc lưỡi: “Khá gì cô ơi, mới đầu tháng 7 âm lịch, nước lũ đã đầy đồng, phù sa đỏ ngầu trên các tuyến kênh, cứ tưởng năm nay sẽ có được một khoản tiền kha khá từ việc câu lưới, nào ngờ chẳng thấy cá mắm gì nhiều. Mấy ngày đầu mùa một đêm tôi giăng lưới được vài ba kg cá linh bán. Mấy hôm nay nước kém, ngày chỉ được ít cá chốt, cá rô để ăn chứ có bán chát gì đâu”.

Nhiều bà con làm nghề này cũng không khác gì chú Năn. Gần chục năm gắn bó mưu sinh với đồng nước, chưa năm nào anh Liêm ở ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính thu nhập từ nghề “ăn cá” ít như năm nay. 16 tay lưới loại 3,5 phân, nhưng mỗi ngày anh chỉ kiếm được trên dưới 3kg cá linh, mè vinh, cá dảnh, trừ chi phí anh kiếm chưa đầy 50 ngàn đồng. Anh Liêm bộc bạch: “Mùa lũ tôi và bà con ở đây đâu có đi làm lúa, làm mướn được vì đồng ngập, chủ yếu là giăng lưới bắt cá để sống. Tôi lo nếu cứ thu nhập như vậy hoài có thể không đủ kiếm lại tiền vốn mua lưới”.

Tiếp giáp xã Tân Công Sính là xã Hòa Bình. Mùa lũ nơi đây cũng được xem là mùa mưu sinh, mùa làm ăn của nhiều gia đình không đất sản xuất. Ngoài nghề “ăn cá”, nhiều hộ dân nơi đây còn sống bằng nghề cào ốc, hái bông điên điển, bông súng, rau muống,... Nhiều hộ dân sống bằng nghề hái bông điên điển, bông súng, rau muống,... ở xã Hòa Bình cho biết, giá bông điên điển đang khá cao, chừng 28 ngàn đồng/kg, còn bông súng, sen thấp hơn nhưng cũng khoảng 12 - 15 ngàn/kg, nhưng những đám điên điển đến giờ vẫn không trổ bông, chỉ có bông súng là được mùa hơn hết, cọng dài mơn mởn, nhưng mấy hôm nước kém (xuống khoảng 2 - 3 tấc so với đầu mùa) giờ cũng không còn ra bông nhiều nữa. Ai ai cũng hy vọng những con nước tới sẽ bội thu.

Nói về không khí mưu sinh của người dân trong mùa lũ, ông Lê Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: “Tính từ đầu mùa lũ đến giờ, không khí mưu sinh trên các cánh đồng ở Hòa Bình kém sôi động so với các năm trước. Nhớ những mùa lũ trước, khoảng 4 - 5 giờ sáng là khắp cánh đồng lóm đóm những ánh đèn của bà con đi thăm câu, lưới, lọp,... và hừng sáng là bà con tấp nập cân cá, bán cá dọc hai bờ kênh. Khoảng 2 năm trở lại đây, những hoạt động đó không còn nhộn nhịp nữa. Nguyên nhân chủ yếu là mấy năm nay lượng cá về ngày càng ít dần, không đảm bảo được thu nhập của người dân nên một số người phải đi lên Sài Gòn, Bình Dương để làm ăn”.

Có lẽ, nhiều người, cứ nghe thấy lũ là sợ, nhưng với người dân nơi đây, mùa lũ như một phần của cuộc sống, một sinh kế từ bao đời nay. Nhìn những cánh đồng, dòng sông chở nặng phù sa chúng tôi hi vọng năm nay lũ sẽ là một mùa “lũ đẹp” để người dân có thêm hi vọng vào những sản vật mùa nước nổi quê nhà.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn