Khắc phục khó khăn trong công tác đào tạo nghề
Cập nhật ngày: 30/06/2014 05:32:30
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), hàng năm tỉnh có trên dưới 22.000 người bước vào độ tuổi lao động, cộng với số lao động thất nghiệp tại khu vực thành thị, lao động do doanh nghiệp sa thải, lao động nông thôn sau khi thu hoạch nông sản cần việc làm và tâm lý phụ huynh muốn cho con em vào đại học, cao đẳng, không thích cho con em học nghề, đã tạo nên áp lực lớn đối với công tác đào tạo nghề.
Tìm việc làm tại phiên giao dịch việc làm
Hiện nay, có 2 kênh để người lao động lựa chọn học nghề: học nghề nông thôn hoàn toàn miễn phí, được hỗ trợ chi phí học tập; đăng ký học nghề hệ trung cấp, cao đẳng tại các trường, trung tâm dạy nghề trong tỉnh. Sau khi được đào tạo, người lao động sẽ làm việc tại chỗ, hoặc tìm việc làm trong, ngoài tỉnh với mức thu nhập từ 2,1 đến 4,5 triệu đồng/tháng (tùy theo công việc). Từ năm 2011 đến năm 2013, có 36.732 người được đào tạo và gắn bó với nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp tại địa phương.
Việc đào tạo nghề hệ trung cấp, cao đẳng trong tỉnh cũng còn gặp khó khăn, do các đơn vị này khó cạnh tranh với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ,... Các trường này có phạm vi tuyển sinh rộng, các hoạt động tiếp thị, quảng bá rất tốt,... Do vậy, đa số học sinh, phụ huynh muốn cho con em theo học các trường ngoài tỉnh. Đồng thời, các trường đại học, cao đẳng ngoài tỉnh thường kéo dài thời gian tuyển sinh nên cơ hội tuyển sinh của các trường nghề, trung tâm nghề của tỉnh vốn đã ít lại càng ít hơn.
Trước những khó khăn trên, Sở LĐ,TB&XH đã quy hoạch lại mạng lưới trường nghề, phân chia các điểm trường theo vùng, chia vùng tuyển sinh, mạnh dạn bỏ những nghề đào tạo ra trường không có việc làm như quản trị mạng, công nghệ thông tin..., tập trung vào các nghề cơ khí, nghề liên quan đến nông nghiệp, chăn nuôi. Năm 2013, Sở LĐ,TB&XH đã khảo sát nhu cầu học nghề, tìm việc làm của người dân tại các xã nông thôn mới, cụm, tuyến dân cư, phát phiếu điều tra, khảo sát lao động trong độ tuổi có nhu cầu việc làm, thu nhập để bổ sung vào dự báo chung của tỉnh; khảo sát trực tiếp tại 550 doanh nghiệp để nắm nhu cầu. Các trung tâm dạy nghề cũng tăng cường công tác quảng bá, vận động người lao động học nghề qua các hoạt động như hội thảo phân luồng, tư vấn tuyển sinh, tổ chức phiên, sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho ngưởi lao động tiếp cận nghề nghiệp. Cùng với công tác vận động, khuyến khích đối tượng đăng ký tham gia học nghề, Sở LĐ,TB&XH cũng đang khẩn trương đầu tư hoàn thiện các trường nghề trọng điểm cấp khu vực Asean gồm Trường Cao đẳng nghề Đồng Tháp, Trường Trung cấp nghề Hồng Ngự, Trung cấp nghề Tháp Mười, Trung cấp nghề Thanh Bình.
C.Phương