Khẩn trương kiểm tra xử lý các sản phẩm được làm từ tinh bột có sử dụng Tinopal
Cập nhật ngày: 23/08/2013 06:23:42
Những ngày qua, khi thông tin 19 mẫu sản phẩm được làm từ tinh bột bị nhiễm Tinopal được công bố, người dân trong tỉnh hết sức hoang mang, việc tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến tinh bột chựng lại. Theo cơ quan chức năng, các cơ sở đã sử dụng hóa chất độc hại này trong thời gian qua.
Một trong những cơ sở sản xuất bún đã vi phạm và đang thay đổi
quy trình sản xuất
Những tác hại kinh khủng
Trong số 20 mẫu bún, bánh tằm, hủ tíu, bánh hỏi, bánh phở được Sở Y tế gửi kiểm tra tại Viện Vệ sinh - Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh có 19 mẫu bị nhiễm hóa chất độc hại vượt mức cho phép. Tinopal là hóa chất không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo Thông tư 27/2012/TT-BYT. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất đã sử dụng Tinopal với hàm lượng dao động từ 1,05mg/kg đến 14 mg/kg. Đáng lo ngại hơn, ngoài việc sử dụng Tinopal trong sản xuất, những chủ cơ sở sản xuất còn sử dụng thêm chất bảo quản Acid benzoic, NA2S2O3 vượt giới hạn cho phép sử dụng trong thực phẩm.
Theo quy định, chất Acid benzoic là 1g/kg và NA2S2O3 là 20mg/kg, trong khi thực tế lấy mẫu kiểm tra tại cơ sở sản xuất bún T.H. tại thành phố Cao Lãnh, ngoài phát hiện chất Tinopal còn phát hiện cơ sở này sử dụng thêm 2 loại hóa chất như trên đề cập, cụ thể như: trên mẫu hủ tíu có chất Acid benzoic 1,34g/kg, NA2S2O3 1.192mg/kg trên mẫu bánh canh hàm lượng NA2S2O3 là 170,4mg/kg. Một cơ sở sản xuất khác cùng địa bàn thành phố Cao Lãnh, qua kiểm tra cũng đã phát hiện Acid benzoic 1,37g/kg, NA2S2O3 là 974,7mg/kg.
Từ kết quả kiểm tra, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) tiến hành mời các cơ sở đến làm việc. Các cơ sở sản xuất đã thú nhận sử dụng các hóa chất trên. Họ cho biết đã chỉ dẫn nhau quy trình, còn liều lượng sử dụng tùy thuộc vào mỗi nơi sản xuất (điều này lý giải tại sao hàm lượng Tinopal trong mỗi sản phẩm của các cơ sở lại khác nhau).
Qua phỏng vấn, hầu hết họ cho rằng, chỉ biết đây là chất làm cho sản phẩm trắng, trong, để lâu không hư hỏng chứ không biết được tác hại kinh khủng của nó?! Mong muốn ngành chức năng sớm thông tin cho người dân biết, lò bún đã thay đổi cách sản xuất để người dân an tâm tiêu dùng, giúp cho việc kinh doanh trở lại như trước.
Khẩn trương kiểm tra, xử lý
Thông tin sản phẩm tinh bột có chứa Tinopal và các hóa chất khác đã thực sự gây “sốc” đối với người tiêu dùng. Thực tế trước giờ, quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm tập trung sâu vào công tác kiểm tra hàn the, Salmonella, E.coli. Trong quá trình lấy mẫu kiểm tra theo hướng trên thì hoàn toàn cơ quan chức năng không phát hiện được hàn the, Salmonella, E.coli trong sản phẩm của các cơ sở. Mặt khác, các cơ sở sử dụng hóa chất đa số đều sản xuất nhỏ lẻ, việc sử dụng hóa chất được họ xem như một “bí quyết”, vì vậy việc sử dụng hóa chất rất ít khi lộ ra bên ngoài... Việc công bố các sản phẩm bị nhiễm Tinopal gây hoang mang cho người tiêu dùng, dẫn đến việc sử dụng các sản phẩm liên quan đến tinh bột giảm nhiều so với trước.
Người tiêu dùng những ngày qua cũng dần thay đổi thói quen ăn uống, hạn chế hoặc không ăn các sản phẩm nghi bị nhiễm Tinopal chuyển sang ăn cơm, bánh mì, mì gói vào buổi sáng. Bạn Trần Phú An - sinh viên năm thứ 1 khoa Luật từ xa Trường Cao đẳng Cộng đồng cho biết: “Trước đây, em thường ăn các món như bún, bánh canh, hủ tiếu, bánh phở vào mỗi buổi sáng trước khi đi học. Từ khi có thông tin các loại sản phẩm từ bột gạo có chứa chất Tinopal nên không dám ăn nữa, chuyển sang ăn các món khác như cháo hay mì gói”.
Cơ quan chức năng hiện đang khẩn trương thực hiện đồng loạt công tác kiểm tra tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; tiếp tục lấy mẫu, xử lý vi phạm, tiêu hủy các loại hóa chất các cơ sở chưa kịp sử dụng. Đối với các cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng đang yêu cầu chủ cơ sở làm cam kết không tái phạm. Nếu chủ cơ sở tái phạm ngoài việc xử lý, cơ quan chức năng sẽ công khai tên cơ sở vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với công tác xử lý vi phạm, Chi cục VSATTP đang phối hợp với các địa phương trong toàn tỉnh, mời 200 cơ sở chuyên sản xuất loại sản phẩm này để tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh.
Khuyến cáo cho người dân trong thời điểm này, Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Văn Phước - Chi cục Trưởng Chi cục VSATTP Đồng Tháp cho biết: “Khi sử dụng thực phẩm phải có nguồn gốc, có công bố sản phẩm. Không nên sử dụng thực phẩm có dấu hiệu bất thường về màu sắc, mùi, hình dạng. Với những thông tin báo chí vừa qua, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các hộ sản xuất, kinh doanh bún đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng sẽ dè dặt trong việc sử dụng sản phẩm bún. Do đó, để chứng minh sản phẩm đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm nhất là trong giai đoạn hiện nay, Chi cục ATVSTP khuyến khích các cơ sở sản xuất bún nói riêng và các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh nói chung, thực hiện công bố sản phẩm để người dân tin cậy sử dụng. Thủ tục thực hiện công bố sản phẩm thực phẩm, chủ cơ sở có thể liên hệ Chi cục ATVSTP theo số điện thoại 3876 642 để được hướng dẫn cụ thể...”
C.Phương