Khi người dân đồng thuận

Cập nhật ngày: 29/02/2016 12:23:17

Những con đường đan rộng rãi, láng bon; nhiều ngôi nhà kiên cố khang trang... Đó là diện mạo ở xã nông thôn mới (NTM) Tân Thành, huyện Lai Vung. Với sự cố gắng, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương, tuy là xã diện nhưng Tân Thành đã đạt 19/19 tiêu chí xã NTM.


Nghề trồng cây có múi đã giúp nhiều hộ dân ở xã Tân Thành phát triển kinh tế và có điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới

Năm 2015, xã Tân Thành có thu nhập bình quân đầu người hơn 33 triệu đồng, tăng gần 3 triệu đồng/người so với năm 2014. Để đạt được kết quả này, Đảng ủy xã đã tích cực lãnh, chỉ đạo trong công tác phát triển kinh tế. Địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thế mạnh trồng cây có múi của xã tiếp tục phát huy. Toàn xã có 796ha đất vườn, trong đó chủ yếu trồng cam, quýt với diện tích 782ha. Nhìn chung, nhà vườn sản xuất có lợi nhuận khá. Trên địa bàn xã có Khu công nghiệp Sông Hậu, nhiều công ty, doanh nghiệp và nghề làm vườn... nên thu hút số lượng lớn lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên hơn 93%. Hộ nghèo được tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ về nhà ở... Nhờ đó, nhiều gia đình có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. Xã Tân Thành chỉ còn hơn 5% hộ nghèo.

Tuy không là xã điểm của tỉnh trong xây dựng NTM nhưng thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thành đã tích cực thực hiện các tiêu chí. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành Nguyễn Thành Đức, trong xây dựng NTM, địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu lợi ích, tầm quan trọng của xây dựng NTM. Chính vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên được phát huy nên góp phần giúp việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM được thuận lợi. Nổi bật là hầu như tất cả các công trình giao thông nông thôn đều có sự đóng góp của nhân dân.

Ông Phạm Văn Mướt (SN 1935) ở ấp Tân Hưng, xã Tân Thành cho biết: “Việc xây dựng NTM cần phải có sự chung tay góp sức của nhân dân nên tôi tham gia hiến đất, góp tiền để làm cầu, đường, đèn đường trong ấp. Tôi cũng đã đầu tư khoảng 50 triệu đồng làm hàng rào, cổng ngõ để vừa bảo vệ tài sản gia đình, vừa tạo vẻ mỹ quan cho ấp để xứng đáng với danh hiệu ấp văn hóa nhiều năm liền”. Ngoài lót đan, trải đá, các tuyến đường chính trong xã Tân Thành đều có đèn đường (dài gần 4km), kinh phí xây dựng hơn 170 triệu đồng do người dân đóng góp, trong đó gia đình ông Phạm Văn Nghiêm ở ấp Tân Hưng đã mạnh dạn ủng hộ 50 triệu đồng để làm công trình này.

Đồng chí Cao Văn Chiếm - Bí thư chi bộ ấp Tân Hưng cho biết: “Được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và kinh tế bà con nâng lên nên từ năm 2011 đến nay, người dân đã hiến 12ha đất; 4.000 ngày công lao động và đóng góp khoảng 2 tỷ đồng... để làm mới, nâng cấp nhiều công trình trong ấp. Đến nay, bộ mặt của ấp rất phát triển. Tân Hưng đạt ấp văn hóa suốt hơn 15 năm qua”. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, ngoài tham gia cùng với Nhà nước thực hiện một số công trình, nhân dân trong xã còn có ý thức trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, mua bảo hiểm y tế... Đến cuối năm 2015, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế gần 72%; sử dụng nước sạch chiếm 97,5%; 99,14% gia đình sử dụng điện. Trong 5 năm qua, tổng kinh phí xây dựng NTM của Tân Thành trên 75,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân và doanh nghiệp đóng góp hơn 41 tỷ đồng.

Chính sự cố gắng của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân đã góp phần quan trọng giúp Tân Thành đạt chuẩn xã NTM. Theo đánh giá của UBND xã Tân Thành, lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn và đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp và xây mới từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới; hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn...

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn