Khó khăn di dời hộ dân trong vành đai sạt lở

Cập nhật ngày: 02/04/2018 10:11:50

ĐTO - Những năm gần đây, tình hình sạt lở tại huyện Thanh Bình diễn biến phức tạp, đặc biệt trên địa bàn xã Bình Thành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Hiện nay, huyện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc di dời các hộ dân trong vành đai sạt lở đến nơi ở mới.


Nhiều hộ dân còn bám trụ nơi ở, chưa chịu di dời

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thanh Bình, tính từ năm 2017 đến tháng 3/2018, toàn xã Bình Thành xảy ra 14 vụ sạt lở. Tổng chiều dài sạt lở khoảng 3.000m, trong đó 850m thuộc khu vực trung tâm chợ Bình Thành, còn lại 2.130m thuộc ấp Bình Hòa. Ông Nguyễn Văn Thật - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Qua khảo sát thực địa, ngành chức năng nhận định do đoạn sông tại khu vực này uốn cong, chủ lưu dòng chảy sông Tiền ép sát vào bờ trái, kết hợp nền đất yếu gây sạt lở. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định sạt lở liên tục xảy ra trên địa bàn còn do việc khai thác cát ở địa phận tỉnh An Giang. Hoạt động này diễn ra từ năm 2008 cho đến nay khiến dòng chảy bị thay đổi, gây sạt lở nghiêm trọng tại Bình Thành, ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn”.

Trước tình hình trên, ngày 13/11/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1370/QĐ-UBND-HC về phê duyệt phương án xây dựng công trình xử lý sạt lở khẩn cấp trên địa bàn xã Bình Thành (giai đoạn 1). Công trình có chiều dài 600m, từ mương Cả Lách về phía chợ Bình Thành dài 150m và từ mương Cả Lách về cầu Phong Mỹ dài 450m, tổng kinh phí 72,8 tỷ đồng. Kế đến, ngày 28/2/2018, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 195/QĐ-UBND-HC về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp để khắc phục tình trạng sạt lở từ kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ với chiều dài 1.800m. Trong đó, đoạn 1 từ đầu bờ kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành đến điểm đầu kè xử lý sạt lở khẩn cấp chiều dài 644m; đoạn 2, từ cuối kè xử lý sạt lở khẩn cấp đến đầu kè bảo vệ bờ đầu vàm Phong Mỹ dài 1.156m. Đến nay, các công trình đang được khẩn trương thực hiện, góp phần kiềm chế tình hình sạt lở trên địa bàn.

Theo thống kê, sạt lở tại xã Bình Thành đã làm ảnh hưởng đến 227 hộ dân với 851 nhân khẩu, cùng nhiều cơ sở hạ tầng, kho bãi của người dân. Trong đó, có 61 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở cực kỳ nguy hiểm cần di dời khẩn cấp. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã được tỉnh phê duyệt chủ trương cho xây dựng cụm dân cư mở rộng trên địa bàn xã với 77 nền để bố trí các hộ dân nằm trong vùng sạt lở cần di dời khẩn cấp.


Khẩn trương xây dựng bờ kè chống sạt lở

Sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng công an, quân sự giúp đỡ các hộ bị ảnh hưởng tháo dỡ nhà đến nơi ở mới. Đồng thời vận động người dân trong vành đai sạt lở nhanh chóng di dời đến nơi ở an toàn. Được biết, đối với các hộ nằm trong vành đai di dời khẩn cấp, xã sẽ bố trí nền trong cụm dân cư theo hình thức trả chậm (trong 5 năm) với giá 500 ngàn đồng/m². Mỗi nền nhà giá khoảng trên 40 triệu đồng. Các hộ này sẽ được xét cho vay vốn 20 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để cất nhà. Ngoài ra, sau khi cất nhà và dọn vào ở, mỗi hộ được UBND xã hỗ trợ thêm 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc vận động người dân tháo dỡ nhà đến nơi ở mới còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Điền Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành, hiện toàn xã có 61 hộ nằm trong vành đai sạt lở cần được di dời khẩn cấp. Trong đó, xã đã xét chọn và bố trí cho 35 hộ có nền ở cụm dân cư mở rộng. Nhưng đến nay chỉ có 11 hộ đã dời đến nơi ở mới, còn 24 hộ chưa chịu di dời. Bởi, các hộ này đa số còn khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào nghề câu, lưới trên sông Tiền hay buôn bán nhỏ ven quốc lộ. Họ ngại khi dời về nơi ở mới sẽ không có việc làm, không có thu nhập. Ngoài ra, nhiều hộ được vận động di dời nhưng chủ quan với sạt lở, chưa chịu dời đi.

Anh Trần Văn Tuấn (SN 1984) ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thành tâm sự: “Nhà chỉ còn cách mé sông chưa đầy 10m nên cũng rất lo sạt lở. Địa phương cũng nhiều lần vận động đi dời nhưng gia đình tôi chưa chịu đi. Nói thật, tôi cũng muốn có nơi ở an toàn để yên tâm làm ăn nhưng do điều kiện khó khăn, nếu dời vào cụm dân cư tôi không thể lo đủ tiền cất nhà mới. Với lại, tôi là dân chài, ở đây còn có nghề câu, lưới kiếm kiếm thêm thu nhập hằng ngày. Về cụm dân cư không biết làm gì để sống”.

Vợ chồng chú Nguyễn Văn Pho (SN 1947) cuộc sống cũng khó khăn, thu nhập chủ yếu từ quán nước ven Quốc lộ 30. Do đó, dù được chính quyền bố trí cho nơi ở mới, nhưng chú Pho vẫn chưa chịu di dời. “Xã chỉ bố trí nền trả chậm mà dân buôn bán như tôi thì khó có khả năng trả được. Chưa kể, dời đến chỗ mới lại không đủ tiền xây nhà, còn căn nhà hiện tại coi như bỏ chứ không tháo dỡ được” - chú Pho bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Thật thông tin thêm: “UBND huyện đã giao cho xã Bình Thành tiếp tục theo dõi hiện tượng sạt lở tại ấp Bình Hòa để kịp thời có biện pháp ứng phó. Bên cạnh, khi xảy ra sạt lở, xã phải cử lực lượng công an, quân sự và thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân trong công tác di dời nhà cửa, tài sản, đồng thời, vận động người dân nhanh chóng chuyển đến nơi ở mới an toàn,...”.

Hiện tại, tình hình sạt lở tại xã Bình Thành dù cơ bản được kiềm chế, nhưng diễn biến khó lường. Bên cạnh các công trình xử lý sạt lở, địa phương cũng cần có giải pháp hỗ trợ và di dời người dân khỏi vùng sạt lở.

LÊ THANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn