Khởi sắc từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Cập nhật ngày: 19/05/2016 08:39:31

Đến với những vùng quê của Đồng Tháp hôm nay, có thể thấy đường sá nông thôn mở rộng, nhà cửa khang trang, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống dân cư cải thiện, trình độ dân trí của người dân được nâng lên,... Đó là những kết quả từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) mang lại.


Đường giao thông nông thôn của xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười

Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo XDĐSVH Trung ương, Ban Chỉ đạo XDĐSVH tỉnh, phong trào TDĐKXDĐSVH ở Đồng Tháp được triển khai sâu rộng đã có tác động tích cực đến đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt từ năm 2011 cho đến nay.

Tham gia phong trào TDĐKXDĐSVH, các tổ chức đoàn thể đã cho ra đời nhiều mô hình giúp bộ mặt nông thôn khang trang, tiêu biểu như mô hình “Thắp sáng đường quê” của Đoàn thanh niên, từ năm 2011 đến nay, các cấp cở sở Đoàn đã vận động thắp sáng trên 500km đường nông thôn với kinh phí gần 8,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phong trào đã huy động được các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa, nhất là tạo sự chuyển biến bộ mặt nông thôn qua việc đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm...); 100% khóm, ấp có điện sinh hoạt; 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ phục vụ; có hơn 100 khóm, ấp văn hóa có các loại hình thư viện, sân luyện tập thể dục thể thao; 100% xã, phường, thị trấn đều có các tuyến đường trải nhựa, rải đá, bê tông hóa, các tuyến đường nông thôn liên khóm, ấp cơ bản được nâng cấp vượt lũ và thuận tiện lưu thông, sinh hoạt...

Qua phong trào, sự cảm thông chia sẻ, cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng ngày một tốt hơn. Người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng được chăm sóc chu đáo; nhiều mô hình hợp tác kinh tế, xóa đói giảm nghèo được hình thành, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm khá nhanh, từ 12,84% năm 2011 giảm còn 4,04% cuối năm 2015.

Không chỉ vậy, thông qua các mô hình, câu lạc bộ (CLB) về an ninh trật tự của các tổ chức đoàn thể, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn những năm qua cũng được đảm bảo: các vụ trọng án và phạm pháp hình sự, tình trạng vi phạm pháp luật giảm, tệ nạn xã hội được đẩy lùi. Nổi bật như mô hình CLB xe mô tô khách phòng, chống tội phạm “Vì sự bình yên cuộc sống” và mô hình “Đội dân phòng phối hợp đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh” của Công an huyện Hồng Ngự; Tổ Phụ nữ phòng, chống trẻ em nghiện game online; Câu lạc bộ sức sống trẻ ở TP.Sa Đéc;...

Việc xây dựng gia đình, khóm, ấp, xã phường văn hóa được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm thực hiện và đạt kết quả đáng ghi nhận.

Có thể nói, 5 năm qua, Cuộc vận động TDĐKXDĐSVH của tỉnh ta đã tạo nên nhiều khởi sắc cho địa phương, làm chuyển biến nhận thức, nêu cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như: tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, cùng nhau đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội;... Đây là tiền đề vững chắc để địa phương xây dựng nông thôn mới bền vững.

Năm 2015, toàn tỉnh có 379.875/430.923 gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt 88,15%. Trong đó, có hàng chục ngàn hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa từ 3 - 5 năm liên tục. Từ năm 2011-2015, tỷ lệ gia đình văn hóa luôn chiếm bình quân 87,97%/năm; có 1.483/1.555 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 95,37%, so với năm 2011 (96,93% đạt chuẩn văn hóa) giảm 1,56; có 117/119 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 98,32%, vượt 13,45% so với kế hoạch đề ra (84,87%). Về phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, có 16/25 đạt chuẩn với tỷ lệ 64%, vượt 14% so với kế hoạch đề ra (50%);...

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn