Kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia cầm
Cập nhật ngày: 17/06/2015 12:07:24
Từ đầu năm 2015 đến nay, nhờ làm tốt công tác tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ nên tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong tỉnh tương đối ổn định, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.
Cán bộ Chi cục Thú y tỉnh phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các điểm mua bán gia cầm
Theo báo cáo của Chi cục Thú y (CCTY) tỉnh, trong những tháng đầu năm 2015, công tác tiêm phòng và thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các khu vực nuôi thả đàn gia cầm được quan tâm thực hiện. CCTY tiến hành tiêm phòng cúm đợt I/2015 với đợt chính được 453.397 con gà (chiếm 69,35%/tổng đàn và 73% kế hoạch); 3.220.451 con vịt (mũi 1) đạt 91,09%/tổng đàn (95,88% kế hoạch); 960.035 con vịt (mũi 2) đạt 85,25%/tổng đàn (89,73% kế hoạch); 2.854 con vịt xiêm chiếm 65,35%/tổng đàn.
Tiêm phòng bổ sung: 94.789 con gà chiếm 47,66%/tổng đàn; 684.923 con vịt (mũi 1) chiếm 81,49%/tổng đàn; 23.798 con vịt (mũi 2) chiếm 27,42%/tổng đàn; 685 con vịt xiêm chiếm 15,46%/tổng đàn. Tiêm phòng các bệnh thường kỳ (tính cả năm) như: 1.732.800 liều dịch tả vịt; 34.400 liều tụ huyết trùng gia cầm; 209.800 liều Newcastle; 153.500 liều Gumboro; 94.500 liều đậu. Nhìn chung, tính đến thời điểm hiện nay, sắp kết thúc tiêm phòng các bệnh thường kỳ đợt I/2015, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trên vịt đạt tỷ lệ cao (> 85,25% tổng đàn) và đạt kế hoạch đề ra. Trong khi đó, do chăn nuôi nhỏ lẻ nên tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trên gà đạt thấp hơn (>69,35% tổng đàn).
Bên cạnh việc tiêm phòng, công tác giám sát sự lưu hành của virus cúm gia cầm cũng được thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thu thập 24 mẫu swab gộp tại các chợ/lò giết mổ gia cầm trong tỉnh để xét nghiệm, kết quả không có mẫu dương tính với virus cúm gia cầm; 18 mẫu swab trên đàn gia cầm chưa tiêm phòng có huyết thanh dương tính tại huyện Tam Nông, Tân Hồng và TX.Hồng Ngự, qua xét nghiệm kết quả không có mẫu dương tính với virus cúm gia cầm. Thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, tính đến nay, CCTY tỉnh đã cấp phát và thực hiện công tác tiêu độc khử trùng được 14.091 lít Benkocid để tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, khu vực chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, khu vực ổ dịch cũ trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong vài tuần qua, một số ổ dịch cúm A(H5N1) được ghi nhận ở các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ và Bình Thuận do hiện tượng tái đàn gia cầm và gia tăng số lượng vịt chạy đồng. Tuy nhiên, tình hình này ở tỉnh ta vẫn được kiểm soát. Theo ông Võ Trọng Phước - Phó Chi cục trưởng CCTY tỉnh, dù một số địa phương như huyện Cao Lãnh, Tháp Mười đang thu hoạch lúa nhưng số lượng vịt từ các tỉnh khác chạy đồng về ít hơn so với mọi năm. Bởi, giá trứng vịt đang xuống thấp, người nuôi vịt không thu được lợi nhuận nên không tái đàn làm cho số lượng vịt giảm. Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác tiêm phòng và giám sát dịch bệnh nên tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh trong thời gian qua được kiểm soát chặt chẽ. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp vật nuôi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng tránh dịch bệnh, CCTY tỉnh khuyến cáo người dân nên chọn mua con giống sạch bệnh, rõ nguồn gốc, được kiểm dịch của cơ quan thú y; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như: không nuôi thả rong, tiêm phòng đầy đủ các bệnh thường kỳ cho đàn gia cầm, kiểm soát không cho người lạ, các vật nuôi khác từ bên ngoài xâm nhập vào trại làm phát sinh dịch bệnh và thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ.
Ông Võ Trọng Phước cho biết: “Thời gian tới, CCTY tỉnh sẽ tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, giám sát sự lưu hành của virus cúm gia cầm trong môi trường nhằm phát hiện nhanh, kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra và xử lý nhanh gọn, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đủ đạt bảo hộ, không để dịch bệnh xảy ra; xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp các chủng vi rút cúm gia cầm để chủ động ứng phó nguy cơ bùng phát dịch lây lan sang người...”.
Phước Lộc