Ký sự Trường Sa
Kỳ 2: Thế hệ “8X” ở Trường Sa
Cập nhật ngày: 21/11/2014 09:12:23
Đến quần đảo Trường Sa, ngoài ấn tượng bởi sự vươn mình, trỗi dậy của nhiều hòn đảo, chúng tôi còn rất ấn tượng với những “thủ lĩnh” thuộc thế hệ “8X” nơi đây. Với khát vọng tuổi trẻ cùng bản lĩnh chính trị vững vàng, các anh luôn là đầu tàu dẫn dắt các cán bộ, chiến sĩ có mặt trên đảo vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Khi Tổ quốc cần
Đến đảo Tốc Tan B trong cái nắng nhè nhẹ của buổi sớm mai, Đoàn công tác số 13 thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 thật sự ấn tượng bởi phong cách làm việc nhanh nhẹn và đầy quyết đoán của Thượng úy Mai Thanh Tùng - Chỉ huy trưởng đảo Tốc Tan B.
Mê các chiến sĩ hải quân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên Mai Thanh Tùng (SN 1986) quyết định chọn thi vào Trường Sỹ quan Lục quân 1 để thực hiện ước mơ của mình.
Với khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân 1, Mai Thanh Tùng đặt bút viết đơn tình nguyện ra Trường Sa công tác. Trải qua quá trình được trui rèn trong quân ngũ, với năng khiếu chỉ huy cùng bản lĩnh của mình, đến cuối năm 2011 Mai Thanh Tùng được giao trọng trách làm Phó Chỉ huy trưởng của đảo Đá Lớn C khi anh mới ở tuổi 25. Mai Thanh Tùng luôn có ý chí phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của cấp trên giao phó, đến năm 2013 Mai Thanh Tùng tiếp tục được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng đảo Tốc Tan B khi mới 27 tuổi.
Có vóc dáng mảnh khảnh nhưng đầy sự “rắn rỏi”, mặn mòi với làn da đen sạm vì nắng gió và nước mặn biển Đông, Thượng úy Mai Thanh Tùng nhanh chóng nắm bắt vai trò là “thủ lĩnh” của đảo để điều hành công việc suông sẻ. Trên cương vị là Chỉ huy trưởng, anh luôn gần gũi nắm bắt tư tưởng để động viên các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Trong năm 2013 và 5 tháng đầu năm 2014, qua sự lãnh đạo của Thượng úy Mai Thanh Tùng có 100% cán bộ, chiến sĩ đảo Tốc Tan B đạt loại giỏi trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu; nhiều hoạt động thi đua khác cũng được cán bộ, chiến sĩ của đảo hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu.
Nhận nhiệm vụ công tác ở quần đảo Trường Sa tuy lắm khó khăn, vất vả nhưng đối với những chiến sĩ hải quân đó là môi trường và là điều kiện thuận lợi để các anh rèn luyện, trưởng thành. Vì thế các cán bộ, chiến sĩ trẻ công tác ở quần đảo Trường Sa đều có chung tâm trạng phấn khởi và tự hào. Qua quá trình phấn đấu có rất nhiều chiến sĩ trẻ đã trở thành lực lượng chỉ huy đảo như Thượng úy Trần Văn Phúc - Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài C.
Trò chuyện với Thượng úy Trần Văn Phúc, chúng tôi không khỏi khâm phục ý chí của “thủ lĩnh” mới 28 tuổi này. Với tinh thần xông pha của tuổi trẻ, sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân 1 năm 2011, chàng trai quê ở huyện Ninh Giang, Hải Dương này liền xung phong ra nhận nhiệm vụ công tác ở Trường Sa dù gia đình Phúc chỉ có anh là con trai.
Để bố mẹ an tâm cho anh nhận nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió như Trường Sa, trước khi đi Trần Văn Phúc đã trấn an tư tưởng bố mẹ của mình nơi quê nhà nhằm có thể toàn tâm, toàn ý để cống hiến cho quân đội.
Có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, đến tháng 7/2013, Thượng úy Trần Văn Phúc được cấp trên giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài C. Bằng kinh nghiệm thực tiễn và kinh nghiệm học hỏi được từ các thế hệ chỉ huy đàn anh, hiện nay Trần Văn Phúc khá vững vàng trong vai trò “thủ lĩnh” để chèo chống đảo Thuyền Chài C vượt qua mọi khó khăn, thử thách của sóng, gió biển Đông.
Vững vàng thế hệ thủ lĩnh trẻ
Ở nhiều điểm đảo nổi, đảo chìm trên quần đảo Trường Sa và khu vực Nhà giàn DK1 nơi Đoàn công tác chúng tôi đến thăm có rất nhiều lãnh đạo, Chỉ huy trưởng hoặc Phó Chỉ huy trưởng có tuổi đời thuộc thế hệ “8X”. Ở các anh ngoài việc có chuyên môn tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, còn là những người rất chịu khó, xông xáo và nhiệt huyết trong công việc.
Điển hình là Trung úy Trương Thế Mạnh - Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài B. Người chỉ huy sinh năm 1985, quê ở tỉnh Thái Bình này tâm sự, do Thuyền Chài B là điểm đảo có vị trí quan trọng nên khi được giao nhiệm vụ “thủ lĩnh” đảo khi còn rất trẻ, anh cảm thấy rất vinh dự, tuy nhiên cũng khá hồi hộp do trọng trách của bản thân mang trên vai lúc này là không hề nhỏ.
Xác định nhiệm vụ lớn lao của mình, Trương Thế Mạnh thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các chiến sĩ trên đảo để kịp thời động viên tinh thần anh em. Ngoài ra, để các anh em trong đơn vị vơi đi nỗi nhớ nhà và xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó trong tập thể, anh còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể thao để mọi người tham gia, sinh hoạt. Nhờ đó, tập thể cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài B đã cùng nhau ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn toàn vẹn chủ quyền biển đảo quê hương.
Thượng úy Mai Thanh Tùng-Chỉ huy trưởng Đảo Tốc Tan B
Tuổi trẻ có ý chí, quyết tâm cao và không ngại xông pha đó cũng là đặc điểm của nhiều lãnh đạo, Chỉ huy đảo ở Trường Sa và Nhà giàn DK1. Sống giữa biển cả mênh mông, quanh năm ngập tràn sóng dữ, các anh luôn thể hiện sự bình tĩnh để đối mặt với mọi khó khăn, thử thách. Trong số họ có thể kể đến trường hợp của đồng chí Đỗ Huy Minh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa.
Sinh năm 1987, trong gia đình thuần nông ở tỉnh Khánh Hòa. Sau khi tốt nghiệp ngành Kế toán - Tài chính của Trường Đại học Nha Trang, Đỗ Huy Minh quyết định nộp đơn thi tuyển công chức để có cơ hội ra đảo Trường Sa công tác. Trúng tuyển kỳ thi công chức, năm 2013 Đỗ Huy Minh nhận nhiệm vụ công tác ở đảo Trường Sa Lớn và được phân công giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa kiêm thêm nhiệm vụ kế toán của thị trấn. Đỗ Huy Minh đã không ngừng nỗ lực công tác, mọi nhiệm vụ của cấp trên giao anh đều hoàn thành xuất sắc.
Hay như trường hợp của Trung úy Nguyễn Công Tính (SN 1988) - Phó Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/21. Dù hoàn cảnh gia đình vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với lập trường tư tưởng vững vàng, Công Tính - người chỉ huy trẻ quê tỉnh Thanh Hóa đã tạo được niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ ở Nhà giàn để giữ vững tinh thần đoàn kết, một lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đó là một trong số ít những “thủ lĩnh” ở Trường Sa mà chúng tôi may mắn được gặp. Tuy ít về tuổi đời nhưng trên cương vị công tác của mình các anh rất bản lĩnh và luôn là đầu tàu cho toàn đơn vị vượt qua mọi chông gai, thử thách. Những “thủ lĩnh” thuộc thế hệ “8X” này chẳng hề tự cao, tự đại, các anh luôn có ý chí cầu tiến, học hỏi. Chia tay Trường Sa và Nhà giàn DK1 chúng tôi luôn luôn tin tưởng rằng những “thủ lĩnh” trẻ thuộc thế hệ “8X” sẽ vượt lên trên mọi gian khó để giữ gìn toàn vẹn chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phú Thuận
Chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn canh gác bên cột mốc chủ quyền