Ký Sự Trường Sa:
Kỳ cuối: Nghề “gõ đầu trẻ” ở Trường Sa
Cập nhật ngày: 28/11/2014 13:35:49
Công tác giáo dục ở Trường Sa hiện đang được nước ta quan tâm hơn bao giờ hết. Ở các đảo Sinh Tồn, Trường Sa Lớn có những ngôi trường Tiểu học được xây dựng khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho con em trên đảo học tập dễ dàng. Nơi đây, nhiều thầy cô giáo đã vượt qua những khó khăn, vất vả để đem hết tâm huyết “gieo chữ” cho con em trên đảo.
Thầy giáo Đồng Minh Hiệp dành hết tâm huyết cho việc dạy học ở Trường Sa
Vinh dự được làm thầy nơi đảo xa
Ở đảo Trường Sa Lớn nằm lẫn khuất sau những tán cây tra, cây bàng vuông rợp bóng mát là Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa được xây dựng hai tầng khá khang trang, rộng rãi giúp cho con em trên đảo có nơi học hành tử tế như ở đất liền. Ngôi trường này có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học khá đầy đủ. Ngoài 3 phòng học rộng rãi, trường còn có Thư viện, Hội trường, Nhà công vụ cho giáo viên. Trong sân trường còn có cả cầu bập bênh, xích đu nhiều màu sắc để làm nơi học sinh trên đảo thỏa sức vui đùa mỗi khi đến lớp.
Nếu như trước kia việc dạy học ở Trường Sa chủ yếu do bộ đội phụ trách thì hiện nay việc này do những thầy giáo được đào tạo bài bản ở các trường sư phạm thực hiện, do đó học sinh trên đảo cũng được học tập tốt hơn. Đang dạy học trên đảo Trường Sa Lớn là thầy giáo Đồng Văn Hiệp (SN 1991) và Bùi Việt Trung (SN 1984), các thầy rất nhiệt huyết với nghề.
Có ước mơ dạy học và công tác ở đảo Trường Sa từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đồng Minh Hiệp (quê ở xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) chọn thi vào khóa Giáo dục tiểu học của Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang nhằm biến ước mơ của mình thành hiện thực. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng năm 2012, Hiệp liền nộp đơn xin ra Trường Sa công tác mà không xin việc bất cứ ngôi trường nào khác trong đất liền. Biết được ý định của con, ba mẹ Hiệp rất ủng hộ bởi vì Trường Sa là môi trường lý tưởng để anh có thể mau chóng trưởng thành.
Trong lúc chờ đợi ra Trường Sa giảng dạy, ngoài phụ giúp gia đình, nhằm tích lũy thêm kiến thức và kỹ năng thực hành sư phạm, hằng tuần Hiệp nhận làm gia sư ở gần nhà để có thêm kinh nghiệm. Đồng Minh Hiệp cho biết: “Được công tác ở Trường Sa là ước mơ cháy bỏng của không riêng gì tôi mà còn là ước mơ của nhiều giáo viên khác. Để bản thân không bị bỡ ngỡ khi nhận nhiệm vụ ở đảo Trường Sa tôi thường trau dồi thêm kiến thức và thông tin về Trường Sa từ internet, báo, đài,... cho nên khi ra nhận nhiệm vụ ở Trường Sa tôi đã thích nghi rất nhanh”.
Để được “đứng lớp” ở Trường Sa, năm 2013 Đồng Minh Hiệp đã vượt qua nhiều cuộc tuyển chọn gắt gao và vượt qua hàng ngàn ứng cử viên là giáo viên và sinh viên sư phạm mới ra trường trên khắp cả nước. Hiệp tâm sự: “Tôi rất vinh dự và tự hào khi được chọn ra Trường Sa công tác, vì vậy sẽ quyết tâm truyền đạt những kiến thức đã học tập cho học sinh trên đảo”.
Cũng giống như Đồng Minh Hiệp, thầy giáo Bùi Việt Trung cho biết bản thân cũng rất phấn khởi khi nhận nhiệm vụ công tác ở Trường Sa. Ít ai biết, để có thể ngày ngày làm nhiệm vụ “gõ đầu trẻ” ở Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa, Trung đã gác lại tình cảm riêng ở đất liền-nơi có vợ và con nhỏ của anh đang chờ đợi từng ngày. Thầy giáo Bùi Việt Trung nói: “Ở Trường Sa thầy và trò giống như những người thân trong một gia đình nên nhìn thấy được từng con chữ của các em viết trên trang giấy tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Ở đây tuy vất vả nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua để xứng đáng với niềm tin nơi đất liền”.
Cơ sở vật chất giáo dục ở Trường Sa không ngừng được đầu tư
Cần mẫn với nghề
Đối với các thầy giáo ra đảo Trường Sa dạy học, được truyền đạt từng nét chữ cho học sinh cũng đồng nghĩa với việc truyền đạt tình yêu Tổ quốc cho các em. Do đó, khi công tác ở Trường Sa ai nấy cũng đều mang hết tình yêu và tâm huyết của mình cho công việc.
Hôm chúng tôi đến đảo Trường Sa lớn mặc dù mới chỉ bước vào kỳ nghỉ hè vài ngày nhưng hai thầy giáo Đồng Minh Hiệp và Bùi Việt Trung vẫn bận rộn bên trang giáo án, với rất nhiều tài liệu giảng dạy cần nghiên cứu cho năm học 2014-2015. Trao đổi với chúng tôi, Đồng Minh Hiệp tươi cười nói: “Các em rất sáng dạ. Nếu mình không chuẩn bị kỹ, lỡ các em có thắc mắc gì mình không trả lời được sẽ rất ngượng. Năm học 2013-2014 rồi có 100% học sinh trên đảo đạt loại khá, giỏi”.
Cánh nhà báo chúng tôi đề nghị được “mục sở thị cảnh” Hiệp và Trung dạy học “nơi đảo xa” làm kỷ niệm, đồng thời nhằm kiểm chứng những điều Hiệp nói. Nhanh chóng tất cả học sinh trên đảo được tập hợp vào trường với trang phục hải quân đặc trưng nơi biển đảo. Như lời Hiệp khoe, từng con chữ, phép tính trong mỗi trang sách được chúng tôi chỉ ngẫu nhiên đều được các em “giải quyết” trót lọt, không gặp bất cứ một khó khăn gì, chỉ có như thế những người hay nghi ngờ như chúng tôi mới hết tò mò.
Tỏ ra hiểu ý chúng tôi, thầy giáo Bùi Việt Trung cười tươi nói: “Nhiều người trong đất liền ra cứ nghĩ dạy học trên đảo sẽ rất nhẹ nhàng và đơn giản. Bởi vì quanh năm không có Thanh tra Sở ra kiểm tra, nhưng đâu biết trong năm học lại có hàng chục Đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo và có những nhà báo “kiêm” luôn nhiệm vụ thanh tra. Nếu mình dạy các em hát mà không biết hát, hoặc các em cầm cuốn sách mà không đọc được chữ là tiêu liền. Do đó, chúng em phải dạy học làm sao cho đạt chất lượng để hết Tiểu học các em vào đất liền học tốt như các bạn khác”.
Hằng ngày, các thầy giáo ở quần đảo Trường Sa ngoài việc cần mẫn “gieo chữ” cho con em trên đảo, họ còn là những “chiến sĩ” không quân hàm. Thông qua từng bài giảng cụ thể hằng ngày, các anh còn lồng ghép vào trong đó yêu Tổ quốc để hun đúc và bồi đấp thêm tình yêu nước cho học sinh của mình. Vì xác định trách nhiệm lớn lao của bản thân nên các thế hệ nhà giáo khi ra đảo Trường Sa công tác đều cố gắng vượt qua mọi khó khăn, vất vả để truyền đạt kiến thức cho con em trên đảo.
Điển hình là trường hợp của Đồng Minh Hiệp, dù còn rất nhiều ước mơ và hoài bão nơi đất liền nhưng anh cũng gác đi tình cảm riêng để nhận nhiệm vụ công tác ở Trường Sa. Hiệp kể, khi ra nhận nhiệm vụ, dù lịch trình chỉ một ngày là đến đảo nhưng do gặp bão nên anh và mọi người phải lênh đênh trên biển bốn ngày đêm mới cặp bến. Do có tâm lý vững vàng và đã hình dung trước được những khó khăn phải đối mặt nên Hiệp vượt qua được mọi thử thách. Đến nay, trải qua quá trình công tác, thầy giáo trẻ có dáng người “thư sinh” này đã trở nên “rắn rỏi” và vượt qua hết tất cả những thử thách khắc nghiệt của thời tiết để trụ vững nơi hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Kết thúc chuyến công tác ở quần đảo Trường Sa, cùng với những con sóng dập dềnh của biển Đông, điều làm chúng tôi ấn tượng mãi đó là nụ cười tươi tắn, hiền hậu của các thầy giáo đang công tác trên các đảo. Các anh là những người bình dị nhưng rất cao quý, các anh đã sống và làm việc hết mình, xứng đáng với nghề đã chọn.
Đã về đất liền, nhưng tiếng đọc bài ê, a,.. lanh lảnh và từng con chữ ngệch ngoạc được viết ra từ chính đôi bàn tay của các “công dân nhí” giữa đất trời Trường Sa như cứ mãi hiện ra trong trí nhớ của chúng tôi. Dẫu biết rằng điều đó chỉ còn là tiềm thức nhưng đó thật sự là thành quả thật đáng trân trọng của những người theo nghề “gõ đầu trẻ” nơi đảo xa.
Phú Thuận