Ký ức Tết xưa

Cập nhật ngày: 10/02/2016 07:01:27

Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 này, ông Tư Chất (Nguyễn Văn Chất) ở khóm 2, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông sẽ bước qua cái tuổi 81. Ký ức Tết xưa của ông gắn liền với lịch sử thăng trầm của đất nước, từ đói nghèo, khổ cực đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, cho đến thời kỳ phát triển như hiện nay.


Ông Nguyễn Văn Chất (Tư Chất) khóm 2, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông giữ gìn khuôn nướng bánh bông lan trong các dịp Tết xưa

Theo ông Tư Chất, trước kia ở nông thôn không khí Tết bắt đầu rất sớm. Hàng hóa không đầy đủ như bây giờ, đồ ăn, thức uống trong mấy ngày Tết phải được chuẩn bị sẵn nên không khí đón Tết khá nhộn nhịp. Trước Tết nửa tháng, đã nghe tiếng chày giã gạo ăn Tết rền vang ở các gia đình. Từ ngày 20 tháng Chạp, các bà, các chị khéo tay tổ chức làm tráng bánh, mứt bí, mứt dừa, làm bánh bông lan,... để đãi khách trong những ngày Tết. Bà Lê Thị Hai - vợ ông Tư Chất là người rất khéo tay, thế nên Tết trong nhà ông bao giờ cũng có nhiều loại bánh mứt, thức ăn ngon.

Để Tết được đầy đủ, tươm tất, thường cách Tết khoảng 3-4 tháng, nhiều gia đình ở nông thôn chuẩn bị nuôi heo, gà, vịt để làm thịt ăn Tết. Ông Tư Chất cho hay, hồi xưa năm nào cũng vậy, gia đình ông đều nuôi 1-2 con heo làm thịt ăn Tết. Cuộc sống thời trước tuy không khá giả, nhưng mọi người sống với nhau rất nghĩa tình. Gia đình nào không có tiền mua thịt, cứ đến nhà ông thế nào cũng được chia vài ký thịt ăn Tết, đến mùa thu hoạch lúa thì đong lúa trả lại bằng với giá trị số thịt đã nhận.

Ký ức Tết của ông Tư Chất còn là những ngày tát đìa bắt cá. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, ở cái xứ Tràm Chim nơi ông sống, cá tôm nhiều vô số kể. Sau ngày 23 tháng Chạp đưa ông Công, ông Táo về trời là các gia đình lại rủ nhau tát đìa. “Hồi xưa, cá tôm ở đây nhiều lắm. Độ khoảng 25-26 Tết là nhà tôi tát đìa và dành những con cá lớn lại để ăn Tết. Năm nào cũng rọng mấy khạp cá”, ông Tư Chất nhớ lại.

Hiện vợ chồng ông Tư Chất đã lớn tuổi, các con ông đã có gia đình riêng và đi lập nghiệp ở nhiều nơi, mặt khác mọi thứ thực phẩm Tết đều sẵn có nên cần thì mua về dùng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian, nên đối với các thành viên trong gia đình ông không khí làm bánh mứt, tát đìa ăn Tết,... giờ chỉ là kỷ niệm.


Anh Dương Hữu Thọ - chị Huỳnh Hiệp (thứ 2 và thứ 3 từ trái qua) luôn giữ gìn tập quán tập hợp gia đình chúc thọ, đi chùa ngày mùng 1 Tết

Nhắc đến Tết xưa, trong ký ức của vợ chồng anh Dương Hữu Thọ - chị Huỳnh Hiệp ở khóm 2, phường 1, thành phố Sa Đéc lại ùa về với biết bao kỷ niệm đẹp. Chị Huỳnh Hiệp cho hay, tuy là dân sống cố cựu bao đời ở vùng đô thị Sa Đéc, nhưng ba mẹ chị luôn giữ gìn những phong tục Tết đặc trưng.

Theo chị Hiệp, năm nào cũng vậy, cứ khoảng 27-28 Tết, ba mẹ chị lại chuẩn bị nồi thịt kho “to đùng” ăn Tết. Đến khuya 28 Tết, cả nhà lại quây quần cùng nhau gói bánh tét. Trước đó, độ khoảng 23-24 Tết, gia đình chị Hiệp cặm cụi làm dưa kiệu, làm mứt gừng, mứt bí,... Cận Tết hơn nữa, chị Hiệp cùng gia đình tìm mua những chậu hoa đẹp nhất về trang trí quanh nhà.

Anh Dương Hữu Thọ-chồng chị Hiệp cho hay, Tết năm nào cũng vậy, cứ sáng sớm ngày mùng 1 là cả nhà lại ăn mặc tươm tất, tập hợp nhau chúc thọ người lớn tuổi, lì xì cho con cháu, sau đó cùng nhau đi chùa để cầu cho năm mới được bình an, may mắn, công việc thuận lợi. Anh Thọ nói: “Vợ chồng tôi luôn giáo dục con cháu phải giữ gìn những nét đẹp trong phong tục đón Tết của gia đình. Đó là nét đẹp truyền thống rất quý, cần trân trọng”.

Tết xưa của nhiều người gắn liền với kỷ niệm về thời thơ ấu được cha mẹ, người thân mua cho bộ quần áo mới diện đi chơi Tết; được ông bà, người thân lì xì những tờ tiền mới, hay đó là những chuyến về quê thăm ông bà, cô bác sau bao ngày xa cách. Ngoài ra, ký ức Tết xưa nhiều của người cũng gắn liền với phong tục, tập quán ngày Tết như tục rước ông bà về ăn Tết; tục dựng nêu; tục kiêng kỵ quét nhà trong những ngày Tết; tục cúng mùng 3;... Ngày nay, chỉ các phong tục phù hợp còn lưu giữ, một số tục lệ không phù hợp đã bị mai một, mất dần và chỉ còn lại trong trí nhớ.


Đi chợ hoa Tết là thú vui của nhiều gia đình trong những ngày Tết

Ông Nguyễn Nhất Thống - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội sử học TP.Sa Đéc cho biết: “Nay không khí đón Tết đã khác xưa, mọi người không còn phải tất bật chuẩn bị mọi thứ để ăn Tết theo kiểu tự cấp, tự túc nữa. Thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, để đón Tết được sung túc là phải tăng năng suất, tăng cường độ lao động và trong cách đón Tết hiện nay người ta thường tính đến những gì thiết thực, cụ thể, đơn giản”.

Tết xưa trong trí nhớ của nhiều người gắn liền với những kỷ niệm đẹp với không khí chuẩn bị nhộn nhịp, chan chứa tình cảm nên được luyến lưu là vậy. Thế nhưng việc đón Tết ngày nay không hề nhạt nhẽo, nếu chúng ta vun đắp và tổ chức hài hòa giữa những giá trị truyền thống và hiện đại sẽ để lại không ít niềm vui và kỷ niệm.  

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn