Lao động bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc ở nước ngoài là vi phạm pháp luật

Cập nhật ngày: 01/06/2016 13:14:41

Mặc dù chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã đạt được nhiều kết quả, nhưng còn những vấn đề cần quan tâm giải quyết. Một trong những vấn đề đó là một bộ phận đáng kể người lao động (LĐ) Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có LĐ Đồng Tháp, cố tình bỏ hợp đồng ra ngoài cư trú, làm ăn bất hợp pháp.

Chẳng hạn như LĐ Đào Minh Chiến - ngụ tại ấp Rọc Muống, xã Tân Công Chí (huyện Tân Hồng); LĐ Nguyễn Thanh Liêm - ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Thanh Mỹ (huyện Tháp Mười). 2 LĐ này đăng ký đi làm việc theo chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản - IM Japan. Đây là chương trình hợp tác LĐ phi lợi nhuận của Chính phủ Nhật Bản ưu đãi cho LĐ Việt Nam; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM JAPAN) là cơ quan trực tiếp thực hiện và phân bổ chỉ tiêu hàng năm cho các tỉnh.

Khi tham gia chương trình này, LĐ không tốn chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Người LĐ khi tham gia chương trình này hết hợp đồng về nước được hỗ trợ 600.000 Yên (tương đương 120 triệu đồng).

Gần đây nhất có 2 thực tập sinh (TTS) chương trình tự do bỏ trốn khỏi nơi làm việc: TTS Phan Việt Thắng - ngụ ấp 3, xã Tân Kiều (huyện Tháp Mười) và TTS Nguyễn Thanh Triệu - ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự).

4 trường hợp vừa nêu trên đều sắp hết hạn hợp đồng, nhưng vì một chút lợi ích nhất thời về thu nhập, các em không hiểu rằng những rủi ro có thể kèm theo là thiệt hại to lớn cho nhân thân, sức khỏe, an ninh cá nhân, an toàn lao động..., gây ảnh hưởng xấu đến chủ trương chung, đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự của Nhật Bản.

Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định kể từ ngày 10/3/2014, người đi làm việc ở nước ngoài bị xử phạt hành chính từ 80 - 100 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi: ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng... Tuy nhiên, việc xử lý gặp khó do người LĐ bỏ trốn vẫn đang ở nước ngoài, việc xử lý đối với thân nhân LĐ chưa có biện pháp hiệu quả.

Về phía luật pháp nước sở tại (Nhật Bản), những LĐ bỏ trốn mà bị bắt sẽ bị tịch thu tất cả tài sản và bị xử phạt với số tiền 2.000.000 Yên (tương đương 300 triệu đồng); LĐ sẽ bị cưỡng chế làm việc cho đến khi có đủ số tiền phạt và tiền vé máy bay về nước. Thời gian khoan hồng miễn xử phạt cho LĐ là LĐ ra đầu thú trong vòng 30 ngày kể từ ngày bỏ trốn khỏi nơi làm việc.

Qua sự việc nêu trên, Ban Chỉ đạo chương trình đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài tại các huyện có LĐ bỏ trốn, cần có hướng chỉ đạo xử lý ráo riết để vận động LĐ về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bỏ trốn để tránh bị xử lý hành chính và được Chính phủ Nhật Bản khoan hồng không phải nộp phạt.

Để công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài đem lại hiệu quả thiết thực, đòi hỏi người LĐ và gia đình phải có ý thức chấp hành pháp luật của Việt Nam và pháp luật nước sở tại, cũng như ý thức cộng đồng và sự cố gắng phấn đấu, vì trách nhiệm tạo nên hình ảnh đẹp của người Việt Nam dưới cái nhìn của bạn bè quốc tế, không nên vì lợi ích riêng tư mà có những hành động thái hóa, gây thiệt hại cho quốc gia, cộng đồng và bản thân gia đình.

Minh Tuyết

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn