Lơ lửng... mưu sinh

Cập nhật ngày: 02/03/2015 13:38:36

Những công việc đòi hỏi phải leo trèo trên cao như mé nhánh cây; bảo dưỡng, sửa chữa trụ thu phát sóng điện thoại... ẩn chứa không ít nguy hiểm. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, vì đam mê nên vẫn có nhiều người gắn bó với nghề này.

Ông Nguyễn Văn Nai đang chặt nhánh cây

Từ leo cây xanh...

Ở tuổi 56 nhưng ông Nguyễn Văn Nai (tên thường gọi Tư Nai) ở ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh vẫn leo cao hàng chục mét để mé nhánh cây thuê. Loại cây ông nhận mé rất đa dạng như sao, bạch đàn, xoài, bàng... Ông đến với nghề này bởi sự nghèo khó. Ông làm thuê đủ nghề để lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà nhưng chỉ duy nhất nghề mé cây là gắn bó lâu dài.

Ông Tư Nai cho biết: “Người thợ phải có kỹ thuật trong cách chặt nhánh cây để điều chỉnh nó rơi theo ý mình; không ảnh hưởng đến nhà cửa, vật kiến trúc xung quanh. Bắt đầu mé từ dưới gốc dần lên ngọn cây để khi gặp ong còn tuột xuống kịp. Khi mé những cây gỗ dẻo, đứng gần nhau thì có thể quật đọt để chuyền qua lại giữa các cây mà không cần xuống đất”. Cứ thế, qua năm tháng, những cây xanh cao to được ông Tư Nai chinh phục chỉ với đôi tay, đôi chân rắn chắc, gân guốc; cái rựa bén đến nổi cạo đứt lông chân; sợi dây dù được xoắn vòng làm “nài” cùng với cái đầu luôn bình tĩnh.

Nghề leo mé nhánh cây thuê vất vả nhưng thu nhập không ổn định. Tùy cây to hay nhỏ và loại cây mà tiền công có khác nhau. Chẳng hạn, tiền công mé nhánh cây bạch đàn sẽ nhích hơn 5.000 - 10.000 đồng/cây so với cây sao. Vì vỏ cây bạch đàn trơn trượt, khó leo hơn cây sao. Trung bình, giá mé mỗi cây dao động từ 25.000 - 60.000 ngàn đồng. Có dịp chứng kiến tận mắt tất cả các công đoạn làm việc của ông Tư mới thấy đây là một nghề nguy hiểm, không phải ai cũng đủ khả năng làm được. Tuy nhiên, khi làm việc, ông không có bất cứ dụng cụ bảo hộ lao động nào. “Gần 30 năm trong nghề mé cây, tôi đã nhiều lần xém nguy hiểm đến tính mạng vì cầm phải nhánh cây khô nên bị gãy, may mà tôi chụp kịp nhánh cây khác. Làm nghề này là phải chấp nhận nhiều nguy hiểm”- ông Tư Nai tâm sự.

Theo ông Tư Nai, nghề mé cây làm ăn được nhất vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 (âm lịch) hàng năm. Đây cũng là mùa có mưa, bão để đảm bảo cây xanh (nhất là những cây lấy gỗ lớn) không bị đổ, ngã, tét nhánh gây nguy hiểm, người dân thường thuê ông Tư chặt hết nhánh, chỉ còn trơ trọi đọt cây. Sau mỗi mùa mé cây, ông Tư lại tổ chức cúng trả lễ cho ông Vườn, bà Vườn vì đã phò hộ gặp may mắn, làm ăn thuận lợi.

Anh Thái Hữu Nghĩa vắt vẻo trên cao để làm việc

...Đến trèo trụ sắt

Giống như nghề leo mé nhánh cây thuê, công việc của người thợ bảo dưỡng, sửa chữa những trụ thu phát sóng điện thoại cũng vô cùng vất vả và nguy hiểm. Anh Thái Hữu Nghĩa (SN 1984), nhân viên Đội Kỹ thuật, Trung tâm Viettel TP.Cao Lãnh, thuộc Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel chi nhánh Đồng Tháp đã có hơn 6 năm leo trèo trên những trụ sắt thu phát sóng điện thoại. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông, Trường Trung học Công nghệ thông tin Sài Gòn, anh Nghĩa về công tác tại Viettel Đồng Tháp. Do khi học ở trường chưa được đào tạo về leo cột, về Viettel, anh phải mất thời gian để học kỹ thuật leo cột; cách thắt dây đai an toàn, chọn vị trí, tư thế đứng trên cột... Sau 2 tháng siêng năng tập luyện, anh có thể leo được cây trụ cao 42m.

Từ những bài học đầu tiên, anh lại tiếp tục cuộc hành trình học hỏi và đúc kết kinh nghiệm riêng cho mình. Anh Nghĩa cho biết: “Yêu cầu đầu tiên của người làm công việc tương tự như tôi là phải cẩn thận, có sức khỏe tốt và không sợ độ cao. Do cột cao, phải dừng lại vài lần để nghỉ mệt nên cần phân bổ sức và chọn vị trí nghỉ hợp lý. Leo lên chầm chậm, vừa leo vừa kiểm tra từng mối hàn của các nấc thang để đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng nghiệp. Khi ở trên cao, không nên nhìn xuống đất mà nhìn một điểm ở xa; cần chuẩn bị sẵn bình xịt côn trùng để phòng ngừa khi gặp ong, kiến. Chỉ leo khi tinh thần thoải mái, sức khỏe và thời tiết tốt”.

Có dịp chứng kiến anh Nghĩa chuẩn bị những dụng cụ cần thiết cho công việc để leo lên bảo dưỡng một cây cột thu phát sóng điện thoại (ở phường 4, TP.Cao Lãnh) cao hơn 30m. Từ mặt đất nhìn lên, bóng dáng của người thợ và cái thân cột lêu nghêu cùng nắng gió khiến dân “tay ngang” như chúng tôi rùng mình. Nhiều năm trong nghề, anh đã quen với việc leo trèo nên trên cao nhìn xuống cũng không bị chóng mặt. Hiện anh Nghĩa có thể leo cột cao 60m. “Công việc khá nguy hiểm, gia đình lo lắng nhưng cũng ủng hộ tôi. Đặc biệt tôi rất yêu thích nghề này nên đã gắn bó nhiều năm qua” - anh Nghĩa chia sẻ.

Vì cuộc sống mưu sinh và sự đam mê mà nhiều người đã chấp nhận “đánh đu” tính mạng trên độ cao hàng chục mét. Với cái nghiệp đã mang, mong rằng họ có sức khỏe, đủ may mắn để tiếp tục công việc “ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời” này.

N.A

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn