Lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Cập nhật ngày: 08/04/2019 14:55:47

Bên cạnh loại hình bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, người lao động còn có thể tham gia BHXH tự nguyện. Vậy lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện được pháp luật quy định như thế nào?


Phụ nữ lao động tự do ở nông thôn nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu khi về già

BHXH tự nguyện do Nhà nước tổ chức thực hiện, mang tính ưu việt, đặc biệt với người lao động nông thôn, lao động tự do,... bởi người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình nhưng vẫn được chia sẻ khó khăn, hỗ trợ thu nhập trong một số trường hợp theo luật định. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng các quyền lợi sau:

- Lương hưu hàng tháng:

Theo Điều 74 Luật BHXH 2014, người tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng.

Mức hưởng:

Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng x Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH

- Trợ cấp một lần:

Điều 75 Luật BHXH 2014 định rõ, ngoài lương hưu, trợ cấp một lần áp dụng với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.

Mức hưởng:

Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

- Bảo hiểm xã hội một lần:

Điều 77 Luật BHXH 2014 quy định, người tham gia được hưởng BHXH một lần khi thuộc một trong các trường hợp:

+ Đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia;

+ Ra nước ngoài để định cư;

+ Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Mức hưởng:

Được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

+ 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

+ 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

+ Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

- Trợ cấp mai táng

Điều 80 Luật BHXH 2014 quy định các trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng, cụ thể:

+ Người lao động có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng (5 năm) trở lên;

+ Người đang hưởng lương hưu.

Mức hưởng:

Bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người tham gia chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết.

- Trợ cấp tuất

Theo Điều 81 BHXH 2014, thân nhân của những người sau đây được hưởng trợ cấp tuất một lần:

+ Người lao động đang đóng BHXH;

+ Người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH;

+ Người đang hưởng lương hưu.

Mức hưởng:

- Đối với thân nhân của người đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH: được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm:

+ Bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

+ Bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi;

+ Trường hợp chưa đủ 1 năm thì mức trợ cấp bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH;

+ Trường hợp người lao động có cả thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tối thiểu bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.

- Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu: được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu:

+ Nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng;

+ Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.

Có thể thấy, với những ưu điểm nổi trội của mình, BHXH tự nguyện đã, đang và sẽ mang lại nhiều lợi ích hữu ích cho người tham gia.

V.H (tổng hợp)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn