Lộng hành đánh bắt cá bằng xung điện

Cập nhật ngày: 30/07/2012 11:37:17

Mùa nước nổi chỉ mới bắt đầu vậy mà trên nhiều tuyến kênh, sông tại các huyện Hồng Ngự, Tam Nông,... đã xuất hiện vô số ghe cào cá. Ông Lại Hoàng Minh, Trưởng Phòng Quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Đồng Tháp) cho biết, hầu hết các ghe cào cá trên địa bàn tỉnh đều có sử dụng xung điện để bắt cá - loại dụng cụ bắt cá đã bị cấm. Chính việc đánh bắt theo kiểu này khiến các loài thủy sản bị hủy diệt dần. Ngoài ra, lưới, dây câu của người dân nghèo thường xuyên bị những người này cào đứt, rách; lực lượng bảo vệ và công an cũng bị chúng đe dọa, táo tợn tấn công.


Một chiếc ghe dùng điện để khai thác thủy sản

Dân nghèo lao đao vì “ghe cào điện”

Cô N.T.T., tạm trú ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự vừa mua xong 2 tay lưới giăng dưới kênh phía sau nhà đã bị ghe cào cá cào mất. Đây là lần thứ 3 lưới của cô bị ghe cào cá cào mất. Tiếc của nhưng không xác định được ghe cào mất lưới nên cô không thể đòi bồi thường. Theo cô T., chủ nhân những chiếc ghe cào này là người ngoài địa phương, chúng thường cào cá bằng xung điện vào buổi trưa hoặc khoảng 1 giờ khuya. Những đối tượng này hoạt động rất tinh vi. Nhiều lần các chiến sĩ bộ đội biên phòng phối hợp cùng Công an tuần tra bắt đối tượng, nhưng khi lực lượng đến nơi thì chiếc dynamo kích điện đã được chúng tháo giấu dưới khoang ghe đục hoặc ném xuống sông.

Dọc tuyến kênh Tân Công Sính, huyện Tam Nông, ta không khó bắt gặp những chiếc ghe cào đậu 2 bên bờ kênh. Các ghe cào này hoạt động quanh năm, cả ngày lẫn đêm. Anh P., ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Công Sính bức xúc cho biết: “Mùng cá bông người bà con của tôi nuôi lớn chưa kịp bán thì bị ghe cào rách lưới, cá ra muốn hết. Chạy theo đòi bồi thường, chúng còn đòi đánh. Cá nuôi dưới sông ghe cào điện cào riết cá gần như bị chay không lớn nổi. Tôi nghe nói ghe cào sử dụng điện đến 280V, tôi ngồi rửa chén gần bờ, ghe cào chạy ngang mà còn bị điện giật tê hai bàn tay”.

Theo người dân xã Tân Công Sính, hàng năm khi nước ngoài kênh, sông tràn đồng, ghe cào có sử dụng xung điện lập thành đoàn khoảng 5, 6 ghe, mỗi ghe có ít nhất 4 người vào các cánh đồng xã Tân Công Sính cào cá. Mùa nước lên là lúc nhiều người dân nghèo tranh thủ ra đồng mưu sinh kiếm cá, thế nhưng các ghe cào cá ngang nhiên cào rách lưới, đứt dây câu của người dân. Mùa lũ năm rồi, cụ T.L. mua tay lưới về giăng chưa được 10 ngày thì bị ghe cào cá cào rách lưới. Do nhà quá nghèo, cụ tiếc của, nài nỉ mong được bồi thường. Chủ ghe cào giả vờ nói kéo cào lên ghe rồi sẽ bồi thường, sợ ghe cào chạy đi nên cụ buộc dây xuồng vào ghe của chúng. Khi ghe cào vừa kéo lưới xong thì tên chủ ghe bảo: “Nếu không tháo dây xuồng ra sẽ chạy tăng tốc cho lật xuồng hoặc thả điện xuống chích chết...”. Hoảng quá, cụ T.L. mở dây xuồng để ghe nhỡn nhơ tiếp tục cào cá.

Đe dọa, táo tợn tấn công

Đến nay, vết thương của anh Nguyễn Thái Hiệp và anh Nguyễn Văn Thuyền - nhân viên bảo vệ Vườn Quốc gia Tràm Chim vẫn còn đau nhức. Theo anh Hiệp, cách đây khoảng 2 tháng, 8 nhân viên bảo vệ rừng tràm và 3 chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp tuần tra thì phát hiện 21 đối tượng đang dùng xung điện bắt cá. Khi lực lượng tiến hành bắt đối tượng thì bọn chúng tấn công bằng cách dùng xiệc chích vào người. Anh Hiệp kể: “Một đối tượng dùng cần điện chích vào người, tôi té xuống. Lúc ấy đối tượng thấy tôi còn cử động nên tiếp tục chích điện vào người tôi đến khi tôi nằm bất tỉnh, may mà anh em phát hiện hỗ trợ và đưa tôi đi bệnh viện điều trị tôi mới thoát chết”.


Phần nhiều các ghe cào cá ngày nay đều dùng xung điện bắt cá

Cách đây 2 ngày, lực lượng bảo vệ Vườn Quốc gia Tràm Chim tịch thu được các dụng cụ được dùng để khai thác cá trong Vườn. Đến chiều, có một tốp khoảng trên 30 người kéo đến trạm tấn công lực lượng bảo vệ. Chúng đứng ngoài mé kênh, chỉ cử 8 người đem theo mã tấu, cây bạch đàn vô “điểm mặt” bảo không đưa lại máy móc chúng sẽ giết. Vừa nói xong, tốp còn lại đang chờ ở ngoài vô rượt đuổi lực lượng bảo vệ và mang tất cả dụng cụ chạy thoát.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó trưởng Phòng Quản lý và bảo vệ tài nguyên - Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, do diện tích Vườn khá rộng, lực lượng bảo vệ mỏng (chỉ có 50 nhân viên bảo vệ nhưng phải bố trí canh gác đến 18 trạm) nên đối tượng dùng xung điện đánh bắt thủy sản thường xuyên lẻn vào rừng. Các đối tượng thường đi tập trung thành đoàn, mỗi đoàn từ 10 đến 50 đối tượng, tất cả đều dùng khẩu trang che mặt để lực lượng không dễ nhận ra. Nếu bị truy bắt thì các đối tượng bất chấp thủ đoạn cùng hợp sức quyết liệt chống trả.

Không chỉ tấn công lực lượng bảo vệ, nhiều đối tượng đánh bắt cá còn tấn công cả lực lượng công an. Anh Nguyễn Văn Tuấn - Phó trưởng Công an xã Tân Công Sính cho biết, lực lượng thường phối hợp với các ngành liên quan đi tuần tra bắt đối tượng cào cá bằng xung điện vào những tháng nước lên. Các đối tượng này rất hung bạo và hoạt động tinh vi. Cách đây 2 năm, khi phát hiện một ghe cào cá bằng xung điện, lực lượng chưa kịp xử lý thì bọn chúng dùng tuýp sắt, gạch đá tấn công lại.

Ông Lại Hoàng Minh, Trưởng Phòng Quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, năm 2002, khi ông còn làm Chánh Thanh tra Thủy sản tỉnh, trong lúc tiến hành truy bắt, kiểm tra phương tiện đánh bắt cá, các đối tượng đã tấn công lại lực lượng, ngoài ra ông còn nhận được 16 thư nặc danh của các đối tượng này gửi về cơ quan qua đường bưu điện, nội dung các bức thư là chửi tục và đe dọa đòi giết vì bọn chúng cho là đã phá “chén cơm” của chúng. Ông Minh cũng cho rằng, mặc dù các ngành hữu quan đã phối hợp tốt trong việc bắt, xử lý, tuyên truyền giáo dục đối tượng dùng xung điện đánh bắt thủy sản, thế nhưng việc truy bắt xử lý đối tượng còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng hoạt động ngày một tinh vi, manh động. Thiết nghĩ, ngoài việc tuyên truyền giáo dục, ngành chức năng cần quyết liệt hơn, mạnh tay hơn trong việc truy bắt, xử lý thật nghiêm các đối tượng cào cá bằng xung điện.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn