Lọp cua “trông” nước!
Cập nhật ngày: 11/09/2020 10:09:39
ĐTO - Những năm về trước, thời điểm này nước lũ đã tràn đồng. Nhưng, năm nay đã hơn nửa tháng 7 (âm lịch) mà nước vẫn chưa về, cua, tôm ít khiến các làng nghề phục vụ cho mùa lũ còn khá vắng vẻ...
Chú Nguyễn Văn Ri vót tre chuẩn bị cho các công đoạn đan lọp cua
Tại làng nghề đan lọp cua ở xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự thời điểm này, lượng người đến đặt mua lọp cua khá thưa thớt do nước chưa về... Chú Nguyễn Văn Ri (57 tuổi), chủ cơ sở đan lọp cua ở ấp Bình Thạnh B, xã Bình Thạnh cho biết, lọp cua được cơ sở làm quanh năm, nhưng cao điểm nhất là mùa nước nổi (từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch) hàng năm, với số lượng từ 4.000- 5.000 cái lọp. Tuy nhiên, tới thời điểm này thấy tình hình nước không nhiều nên có thể chú sẽ giảm lượng sản xuất lại. Thời điểm này năm ngoái, có nhiều lái đến mua lọp, có khi thiếu hàng, cơ sở phải mua thêm của người khác hơn 1.000 cái lọp để giao cho khách.
“Năm nay do tre và dây lên giá nên lọp cua tăng 2.000 đồng/cái, mỗi cái lọp có giá 27.000 đồng. Để làm được một cái lọp cua thì qua rất nhiều công đoạn như: làm vành, bện hom nhỏ, bện hom lớn, bửng... Một người làm từ sáng đến tối được chừng 2 cái lọp, nên bán giá này người làm lọp chủ yếu giữ nghề và lấy công làm lời”, chú Ri tâm sự.
Theo ông Lê Văn Phúc, để hoàn thành một chiếc lọp cua còn phải qua rất nhiều công đoạn như làm vành, bện hom nhỏ, bện hom lớn, bửng...
Cũng làm nghề đan lọp cua ở làng nghề xã Bình Thạnh, ông Lê Văn Phúc (66 tuổi) cho hay: “Năm nay, tôi sản xuất khoảng 500-700 cái lọp, bằng số lượng năm ngoái, chứ không dám làm thêm. Mấy năm trước, giờ này khách đông lắm, tôi định năm nay kêu mấy đứa con về làm thêm, nhưng thấy tình hình này chắc hai vợ chồng làm cắt củm như mọi năm thôi”.
Anh Nguyễn Văn Đoàn chở lọp cua giao cho khách hàng
Cũng như làng nghề, những người dân làm nghề đặt lọp cua cũng đang ngóng con nước. Anh Nguyễn Văn Đoàn (35 tuổi) - người có khoảng 15 năm theo nghề đặt lọp cua ở ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh cho biết: “Thời điểm này nước chưa xuống nên cua chưa có nhiều, với 300 cái lọp mỗi đợt tôi chỉ thu được chừng 13-14kg cua. Mọi năm cua nhiều, 1 ngày dỡ một lần nhưng hiện nay cua ít, cách 2 ngày mới dỡ 1 lần. Với giá bán 26.000 đồng/kg, người làm nghề này chủ yếu lấy công làm lời”.
Anh Trần Văn Cậu phụ giúp công đoạn bẻ vòng với mức lương 170.000 đồng/ngày
Đan hom nhỏ - một công đoạn khá quan trọng cho việc hoàn thành một chiếc lọp cua
Ngoài đặt lọp cua, thời gian rảnh ban ngày, anh Đoàn còn làm nghề chở lọp đi giao các mối trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này lượng hàng giao cho các nơi ít hơn mọi năm khá nhiều. Anh Đoàn cho biết, một chiếc xe gắn máy anh chở khoảng 200 cái lọp để giao cho các mối ở Tháp Mười, Cao Lãnh, Campuchia... Mấy năm trước, anh đi giao nhiều chuyến, có khi chở không kịp, nhưng năm nay đến thời điểm này khách kêu chở lọp chỉ bằng 1/3 so với mọi năm. Người làm nghề theo con nước như anh thất thu nhiều mặt...
MẪN NHY