Mô hình đan gia công sản phẩm nhựa tạo việc làm ổn định cho phụ nữ nông thôn nhàn rỗi
Cập nhật ngày: 04/06/2014 04:58:24
Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo tại xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh gặp nhiều khó khăn, do tìm đầu ra sản phẩm chưa ổn định, tỷ lệ sau khi học nghề duy trì nghề còn thấp, phần đông phụ nữ nông thôn nhàn rỗi là hộ nghèo, chỉ đi làm thuê theo mùa vụ.
Trước thực trạng đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tích cực vận động, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo học nghề và phối hợp với các ngành mở các lớp dạy nghề, đến nay đã duy trì được nghề đan lụt bình, đan sản phẩm nhựa, may công nghiệp, giúp cho trên 100 chị có việc làm ổn định. Trong đó, mô hình đan gia công sản phẩm nhựa hoạt động hiệu quả, đầu ra ổn định, giúp cho nhiều chị có việc làm vươn lên thoát nghèo.
Mô hình thực hiện vào tháng 10/2012 tại ấp 7, xã Ba Sao, do chị Nguyễn Thị Ánh Hồng làm tổ trưởng và là người trực tiếp hướng dẫn. Chị Ánh Hồng cho biết, trước đây chị lên thành phố làm, thấy việc đan bội cũng dễ làm nên chị về vận động được 25 chị tham gia học nghề, sau đó mạnh dạn đứng làm đầu mối nhận hàng, nguyên vật liệu từ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bá Duy, TP.Hồ Chí Minh. Chị còn trực tiếp hướng dẫn cách đan từng sản phẩm cho các chị em. Chị Nguyễn Thị Hằng ở tổ 2, ấp 7, xã Ba Sao cho biết, đã tham gia vào tổ hơn 2 năm, thu nhập 50 - 60 ngàn đồng/ngày.
Đối với đan bội xe đạp, sau khi xong việc nhà, mỗi chị có thể đan từ 5 đến 7 cái/ngày, thu nhập trên 50 ngàn đồng. Công ty cung cấp toàn bộ nguyên vật liệu và đầu ra sản phẩm, các chị gia công tùy theo đơn hàng của Công ty, các sản phẩm chủ yếu là: bội xe đạp, ghế, vật đựng văn phòng phẩm, dụng cụ trang trí, đồ dùng gia dụng... Đơn đặt hàng, tiền công từng đợt hàng được chị Ánh Hồng nhận lãnh và trao lại cho chị em trong tổ. Riêng chị được Công ty trả lương 4 triệu đồng/tháng là tiền công trách nhiệm về đơn hàng, nhận, giao sản phẩm và hướng dẫn cho các chị học đan.
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, tổ phụ nữ đan gia công sản phẩm nhựa ngày càng thu hút các chị phụ nữ nông thôn tham gia và có việc làm, thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, đã có hơn 50 chị phụ nữ ở ấp 7 và tại cụm dân cư Kinh Cây Dông tham gia vào tổ. Mỗi tuần có hơn 1.000 sản phẩm được các chị gia công hoàn thành giao cho Công ty. Theo chị Ánh Hồng, công việc duy trì vì thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài nước.
Chị Lê Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết “Mô hình này 2 năm qua đảm bảo đầu ra ổn định, Hội LHPN duy trì để giúp một số phụ nữ nhàn rỗi có việc làm ổn định”.
Thúy Nhi