Mối đe dọa sức khỏe từ việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật mà không trang bị đồ bảo hộ
Cập nhật ngày: 15/11/2013 06:23:57
Chỉ 10 phút đứng dưới tán cây xoài, nhìn người nông dân xịt xoài cổ họng tôi bắt đầu rát, mũi khó thở, trên vai áo lấm tấm những giọt thuốc màu trắng sữa. Trong màn nước thuốc mờ mờ như màn sương mỏng, nồng nặc mùi thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), người xịt xoài quần áo phong phanh, không đồ bảo hộ, cầm cần xịt quơ ào ào trên lá cây.
Người lao động chưa quen mang bảo hộ lao động
Những ngày này, người dân ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh vào mùa xịt xoài. Ông Huỳnh Văn Nhanh ngụ ấp Mỹ Thới, xịt 2 công xoài đang ra hoa. Vừa đi, ông vừa nói: “Xoài nhiều thì mướn xịt, trồng có 2 công đất mướn lấy gì ăn, nên tôi mua máy mô tơ, dây, cần xịt tự xịt. Một mình tôi, xịt 2 công xoài khoảng 1 ngày...”. Trước khi xịt xoài, ông Nhanh đổ thuốc BVTV vào cái chậu lớn, quậy thuốc bằng một khúc cây gỗ, đặt ống nhựa vào và bắt đầu khởi động mô tơ. Tay cầm cần xịt thuốc, ông Nhanh leo lên cây xoài, đưa vòi phun lên những tán cây. Vòi phun thuốc từ cần xịt ào ào, trắng xóa một vòm lá, nước thuốc ngưng tụ bám vào người ông, rơi trên mặt, thấm vào chiếc áo cũ cộng với mồ hôi, người ông ướt đẫm.
Chỉ tay vào chiếc sào quần áo, vợ ông Nhanh nói: “Sáng giờ 3 cái áo bị ướt như vậy rồi, áo ướt thấm thuốc tưới xoài nên nóng lắm, ổng chịu đâu nổi phải cởi áo ra phơi. Sợ ổng bệnh nên tôi có kêu mặc áo mưa, đeo kiếng, khẩu trang vào hãy tưới. Đeo được 5 phút leo lên tới ngọn là ổng thảy khẩu trang xuống nói “ngộp quá” không chịu nổi, vậy là chỉ mặc cái áo cũ này mà xịt...”.
So với xịt lúa thì xịt xoài cực hơn, vừa pha thuốc với số lượng lớn, vừa phải lên cây, cầm cần xịt để xịt (làm vậy thuốc mới thấm đều). Do đứng từ bên dưới phun thuốc lên ngọn cây, nên nước thuốc rơi xuống dính vào mặt, vào người. Cực vậy nhưng ít ai chịu mang khẩu trang, bao tay hay mặc áo bảo hộ với lý do vướng víu không làm việc được. Có người còn nói đeo vào khi leo trèo khó, dễ vướng nhánh cây, té nguy hiểm hơn. Anh Võ Trí Phúc ngụ ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Xương cho biết: “Xịt buổi sáng, chiều ngồi không nổi, thuốc thấm vào da thịt nóng, rát lắm, có lúc tôi thử đeo kiếng thì vòi phun làm kính đóng nước không thấy đường, mặc áo mưa vào thì nực quá không chịu được. Biết lâu dài sẽ bệnh nhưng phải ráng làm...”.
Những hộ trồng xoài ít thì tự phun xịt, người trồng nhiều thì phải thuê. Chúng tôi tìm đến căn nhà của hai mẹ con anh Nguyễn Văn Sa ở ấp Mỹ Thới. Anh Sa làm nghề xịt xoài mướn hàng ngày để có tiền nuôi mẹ già 68 tuổi. Hỏi về đồ bảo hộ lao động anh thường sử dụng khi xịt xoài, bà Võ Thị Hằng - mẹ anh Sa mang ra một bộ đồ và một cái khẩu trang đã cũ, bộ “đồng phục” của anh khi đi xịt xoài mướn. Bà Hằng nói: “Con tôi làm nghề hơn 4 năm, mỗi khi nó xịt xong về áo ướt, mặt hôi mùi thuốc, hít thuốc sâu riết lổ mũi khịt khịt hoài, có hôm nằm bẹp ngồi không nổi. Cả nhà tôi sống nhờ tiền đi xịt xoài, xịt lúa mướn của nó...”.
Nỗi vất vả của người phun xịt thuốc bảo vệ thực vật
Rời xã Mỹ Xương, đến xã Mỹ Long, Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh) và Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh) đâu đâu chúng tôi cũng thấy tiếng mô tơ nổ xịt xịt, người dân mặc áo vải, đầu trần, mặt không đeo khẩu trang giơ cần xịt xoài cho kịp buổi, kịp lịch phun.
Bảo vệ sức khỏe người dân, thời gian qua, Chi Cục BVTV tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tư vấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ thuật trồng trọt, phun xịt thuốc BVTV đảm bảo an toàn cho đồng ruộng, môi trường, sức khỏe. Trong tháng 10/2013, các buổi tọa đàm, tư vấn, tập huấn nội dung sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường, an toàn sử dụng, hiệu quả thuốc BVTV được thực hiện tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự, Châu Thành, thị xã Hồng Ngự, hướng dẫn người dân làm việc theo đúng quy trình. Nỗ lực là thế, nhưng người dân rất ít sử dụng các phương tiện bảo hộ khi làm việc. Một phần do thói quen, một phần người dân chưa tự giác trang bị đồ bảo hộ lao động khi làm việc. Trước thực trạng này, vừa qua Trung tâm BVTV phía Nam đã phát hành tờ bướm “Cùng nông dân ra đồng”, trong đó khuyến cáo người phun xịt thuốc không phun thuốc ngược chiều gió, không phun thuốc khi trời nắng, trước khi trời mưa. Thuốc BVTV xâm nhiễm vào cơ thể qua 4 đường qua da, qua miệng, qua mũi, qua mắt, do vậy người lao động cần mặc đầy đủ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc BVTV, các vị trí cần bảo vệ là vùng đầu, thân thể, tay, chân.
C.Phương