Tháp Mười

Một số kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 03/04/2015 13:39:55

Trong điều kiện khó khăn về ngân sách đầu tư nói chung và thắt chặt đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, Huyện ủy Tháp Mười xác định, muốn thực hiện thắng lợi Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới (NTM) phải thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa đầu tư phát triển từ các thành phần kinh tế và phát huy được nguồn lực từ trong nhân dân. Phát huy được 2 nguồn lực này sẽ là yếu tố quyết định thắng lợi trong thực hiện Nghị quyết.


Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường giao thông ở một xã nông thôn mới

Xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ hàng đầu, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy giao Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM; thường xuyên tổ chức triển khai những văn bản hướng dẫn xây dựng NTM cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã, đến các ấp và các tầng lớp nhân dân.

Qua tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân nên họ tích cực tham gia đóng góp tiền, đất đai, sức lao động; góp ý và giám sát thực hiện quy hoạch; thay đổi tập quán sản xuất; chủ động lựa chọn mô hình sản xuất mới, hiệu quả; tham gia các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt các tiêu chí nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Địa phương đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng NTM; kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn có bước phát triển, hệ thống đường giao thông nông thôn được nâng cấp, bê tông hóa; hệ thống đèn chiếu sáng, cổng, ngõ được xây dựng, bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn. Nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng thay thế những căn nhà tạm bợ, dột nát, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Qua 4 năm thực hiện, Huyện uỷ giao Ban Dân vận Huyện ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện xây dựng và triển khai 10 kế hoạch tuyên truyền, đã tổ chức tuyên truyền, vận động bằng các hình thức được 2.716 cuộc cho trên 81 ngàn lượt người. Vận động thực hiện mô hình thắp sáng đường quê được 262,48km; xây dựng hàng rào, cổng ngõ được 48km; sửa chữa, nâng cấp kết hợp phát quang 375,85km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, xây dựng mới 79 cây cầu; xóa 1.004 căn nhà tạm, hỗ trợ cho 244 hộ vay xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; vận động cải tạo 220,44ha vườn tạp thành vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế.

Ngoài việc vận động nhân dân chung tay đóng góp tiền, còn vận động hàng chục ngàn ngày công lao động và rất nhiều đất đai hiến tặng để xây dựng các công trình công cộng. Tổng kinh phí đầu tư xây NTM đến cuối năm 2014 là 809,729 tỷ đồng. Trong đó, đã vận động sự tham gia đóng góp của nhân dân là 213,698 tỷ đồng, chiếm 26,39%; vốn ngân sách 501,287 tỷ đồng, chiếm 61,90%; các thành phần kinh tế 36,154 tỷ đồng, chiếm 4,46%; các nguồn hợp pháp khác là 58,590 tỷ đồng, chiếm 7,25%. Tính đến cuối năm 2014, huyện có 2 xã (Thanh Mỹ, Mỹ Đông) được tỉnh công nhận đạt 19/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, các xã còn lại tiến độ thực hiện đều đạt theo lộ trình đề ra; kế hoạch năm 2015 huyện sẽ phấn đấu có thêm 2 xã đạt xã NTM là Đốc Binh Kiều và Trường Xuân.

Theo BTV Huyện ủy Tháp Mười, kết quả trên là do có sự sáng tạo, chủ động trong công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành, tăng cường vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội nên phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động. Qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, nhất là các xã điểm của tỉnh nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong Đảng và trong nhân dân.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi họp dân triển khai nhiệm vụ chính trị địa phương và vận động xây dựng NTM, trong đó chú trọng mời những người có uy tín ở ấp tham gia, vận động gắn với tuyên tuyền gương “người tốt, việc tốt” trong xây dựng NTM, nhất là những người hiến tặng đất để xây dựng các công trình công cộng, góp tiền, góp ngày công lao động..., qua đó “đả thông tư tưởng”, tạo ý thức cho người dân tự nguyện tham gia thực hiện các tiêu chí trên địa bàn mình.

Huyện còn thường xuyên làm công tác nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận nhân dân để điều chỉnh các biện pháp, bước đi, lộ trình cho phù hợp với thực tiễn và tiềm lực đóng góp của người dân. Phát huy dân chủ ở cơ sở, lấy ý kiến người dân một cách nghiêm túc từ khâu hiến kế xây dựng đề án, góp ý quy hoạch đến đầu tư thực hiện các công trình dân sinh. Khuyến khích người dân trực tiếp làm và giám sát toàn bộ quá trình thực hiện các công trình, phần việc về xây dựng NTM, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Chủ trương xây dựng NTM ở địa phương có sự hòa quyện giữa “ý Đảng và lòng dân”.

DŨNG CHINH

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn