Huyện Tháp Mười
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Cập nhật ngày: 15/01/2014 05:24:11
Trong những năm qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) ở huyện Tháp Mười hoạt động ngày càng có hiệu quả, góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc và đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển.
Đến nay, huyện Tháp Mười thành lập được 39 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững (CLB GĐPTBV), 46 địa chỉ tin cậy ở 13 xã, thị trấn trong toàn huyện. Mỗi tháng, các CLB này tổ chức sinh hoạt 1 lần với nhiều nội dung, hình thức phong phú như: truyền thông nhóm, thảo luận, tọa đàm, tiểu phẩm vui,... nhằm tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và các kỹ năng ứng xử trong gia đình, lợi ích của việc xây dựng gia đình hạnh phúc,... Qua đó giúp thành viên trong các CLB tích cực tham gia đóng góp ý kiến và đề ra phương hướng hỗ trợ kịp thời những vụ bạo lực xảy ra tại địa phương.
Anh Nguyễn Văn Trường ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Thanh Mỹ cho biết: “Từ khi tham gia CLB, gia đình tôi có sự chuyển biến tích cực. Vợ chồng hòa thuận, biết nhường nhịn yêu thương nhau nên ít xảy ra cự cãi, không có tình trạng bạo lực gia đình, chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng nghe”. Theo anh Trường, trước khi tham gia CLB, vợ chồng anh có những bất hòa, khiến tình cảm vợ chồng bị rạn nứt. Nhưng từ những kinh nghiệm có được từ trong lúc tham gia sinh hoạt CLB, những bất đồng được vợ chồng đưa ra phân tích cặn kẽ để rút kinh nghiệm những điều đúng-sai, vợ chồng đầm ấm hơn và tình cảm chòm xóm được phát huy hơn trước.
Ở các CLB GĐPTBV của huyện Tháp Mười, Ban Chủ nhiệm của từng CLB lựa chọn những gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực, gia đình có nguy cơ bạo lực và các gia đình sống gương mẫu ở địa phương cùng nhau tham gia sinh hoạt để chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình hạnh phúc, đồng thời để phát hiện những bất hòa trong các gia đình, từ đó CLB cử người đến những gia đình này trao đổi, tháo gỡ. Chỉ trong hai năm (2011 và 2012), toàn huyện Tháp Mười phát hiện mới 79 trường hợp BLGĐ. Từ sự can thiệp của các CLB, có 95% nạn nhân được hỗ trợ tư vấn, có 81% những người thực hiện hành vi bạo lực được giáo dục, đồng thời có 40% số vụ bạo lực được các CLB hòa giải thành. Trong năm 2013, toàn huyện chỉ xảy ra 18 vụ BLGĐ.
Anh Trần Văn Nai - thành viên CLB GĐPTBV của xã Hưng Thạnh cho biết: “Mục đích hoạt động của CLB GĐPTBV ở xã là trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong cuộc sống, tuyên truyền để các thành viên trong CLB biết cách giáo dục con cái hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; tuyên truyền các thành viên trong CLB hiểu biết chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để từ đó mọi người dân hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương và thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Ông Đặng Công Nam - Phó trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Tháp Mười nói:“Qua quá trình hoạt động của các CLB GĐPTBV, rõ ràng hiện tượng BLGĐ của địa phương có giảm. Tôi thấy các CLB GĐPTBV có bước phát triển, đem lại hiệu quả đối với việc phát triển gia đình ở huyện Tháp Mười”.
Thời gian tới, để triển khai thực hiện tốt trong công tác PCBLGĐ, huyện Tháp Mười tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề BLGĐ trong các gia đình. Ngoài ra, địa phương còn tổ chức nhân rộng mô hình CLB GĐPTBV ở các xã, thị trấn, trong đó chú trọng thu hút thành viên ở các độ tuổi khác nhau tham gia để hỗ trợ nạn nhân và người có hành vi BLGĐ có những kiến thức về hôn nhân, gia đình, kỹ năng nhìn nhận giải quyết các vấn đề của gia đình, kỹ năng làm chủ bản thân, giúp cho các thành viên gia đình hiểu rõ về vị trí, vai trò của gia đình trong xã hội.
Bên cạnh đó, huyện Tháp Mười phấn đấu thành lập thêm các CLB GĐPTBV và địa chỉ tin cậy ở các địa phương.
Minh Khánh