Tháp Mười
Nâng cao mức sống người dân từ chương trình xây dựng nông thôn mới
Cập nhật ngày: 06/03/2015 13:30:58
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tháp Mười đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, xây dựng các tuyến đường ấp khang trang, sạch, đẹp; mở các lớp đào tạo nghề, hoàn thiện các công trình trường học, nhà văn hóa tại các xã, thị trấn trong huyện.
Người dân và sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh tham gia làm đường
Từ năm 2010 - 2014, huyện Tháp Mười đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng 40 trạm bơm điện, nâng tổng số toàn huyện lên 117 trạm, phục vụ tưới cho 34.820ha (chiếm 93% tổng diện tích sản xuất); chủ động đưa cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đạt trên 95%, khâu làm đất đạt 100%; sản lượng lúa qua sấy chiếm trên 50%. Các chương trình khuyến công, khuyến nông đã hỗ trợ nông dân đầu tư 43 máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất, 11 máy cắt xếp dãy và 410 máy sạ lúa kết hợp phun thuốc, phun phân; toàn huyện có 1.387 máy cày (xới, trục), 405 máy phun phân, công cụ sạ hàng 3.071 cái, 361 máy, 14.477 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 106 lò sấy (20 tấn/mẻ). Diện tích làm đất bằng máy 100%; phun phân bằng máy 30%, tăng 15% so năm 2013; diện tích sạ máy 25%, tăng 6,4% so năm 2013; thu hoạch bằng máy 98%, tăng 3% so năm 2013; phun thuốc bằng máy 100%; lò sấy phục vụ 16% tổng sản lượng lúa toàn huyện trong năm. Các mô hình mới được hình thành tại các xã, thị trấn mang lại hiệu quả như nuôi ếch, cá sặc rằn, nuôi cá rô thương phẩm, trồng hoa huệ... đã cải thiện thu nhập cho người dân. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người từ 22 triệu đồng vào năm 2011 lên 33 triệu đồng vào năm 2014.
Từ năm 2011 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 155 lớp đào tạo nghề trên lĩnh vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cho 4.150 lao động nông thôn, có trên 80% học viên có việc làm sau học nghề; tổ chức tập huấn về chăn nuôi, hình thành các mô hình tổ hợp tác, tổ dịch vụ,...
Trên lĩnh vực giao thông, với nhiều nguồn tài trợ, toàn huyện xây dựng mới 221,219km đường giao thông nông thôn (láng nhựa và bê tông), rải đá 15,3km, nâng cấp 5,27km đường; xây dựng mới 107 cây cầu. Toàn huyện đã thắp sáng đường quê 258,38km; phát quang cây xanh dọc các tuyến giao thông được 375,85km; thực hiện xây dựng hàng rào, cổng ngõ được 48km; trồng cây chống sạt lở đê bao được 28,05km, đắp lề đường 28,3km.
Chương trình mùa hè xanh thực hiện từ năm 2010-2012 đã xây dựng 53,86km đường bêtông, mặt rộng từ 2,4 - 2,5m và xây dựng 22 cây cầu bêtông, với tổng kinh phí 49,542 tỷ đồng, trong đó Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh ủng hộ bằng vật tư, ngày công của các sinh viên là 15,496 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 13,436 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 17 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp thực hiện mùa hè xanh là 13,2 tỷ đồng.
Thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2015, hàng năm, huyện duy trì phổ cập giáo dục THCS đạt 100%/12 xã; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt trên 80% và tỷ lệ lao động qua đào tạo 42,49%. Năm học 2013-2014 có thêm 6 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn trên địa bàn huyện là 18/70 (25,71%). Nhà văn hóa ấp và khu thể thao, có 2 xã đạt (Thanh Mỹ, Mỹ Đông) đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân nông thôn. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh của 12 xã đạt 97,4%. Các đoàn thể tuyên truyền nhiều hoạt động; mô hình vận động giữ gìn, bảo vệ môi trường nông thôn được tổ chức rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút hàng chục ngàn hộ dân tham gia. Điển hình như mô hình “5 không, 3 sạch”, “Ngân hàng chính sách cho vay xây nhà vệ sinh”, “Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt, mua sắm”; có khoảng 70% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các xã đã hoàn thành thủ tục hành chính về môi trường và có 73% cơ sở có đầu tư công trình xử lý chất thải.
Hiện xã Thanh Mỹ và xã Mỹ Đông được UBND tỉnh ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM; xã Đốc Binh Kiều đạt 13 tiêu chí, tăng 4 tiêu chí so với năm 2010, phấn đấu cơ bản đạt tiêu chí xã NTM vào cuối năm 2015; các xã còn lại đạt 10-12 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đạt từ 52 - 63%. Huyện tiếp tục duy trì, củng cố và kiện toàn 19/19 tiêu chí đạt của 2 xã Thanh Mỹ và Mỹ Đông; đến năm 2015 xã điểm của tỉnh (Đốc Binh Kiều) và xã điểm của huyện (Trường Xuân) và xã Mỹ Quí cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM
C.Phương